Thế giới Hồi giáo thành mục tiêu khủng bố

(PLO) - Theo nhận định của các chuyên gia chính trị Ai Cập, những kẻ khủng bố tại Ai Cập, đặc biệt là tại Bắc Sinai, đang tìm cách chứng minh sự tồn tại hùng hậu của chúng bằng cách mở rộng các mục tiêu tấn công khủng bố nhằm vào một số lượng lớn những người Hồi giáo. 
La liệt xác chết trong ngôi đền Rawda, cách thủ phủ El-Arish ở Bắc Sinai khoảng 40 cây số
La liệt xác chết trong ngôi đền Rawda, cách thủ phủ El-Arish ở Bắc Sinai khoảng 40 cây số

Vào chiều 24/11, khi những người Hồi giáo đang tập trung tại các nhà thờ để cầu nguyện như thường lệ, một vụ tấn công bằng bom và súng nhằm vào một nhà thờ tại một ngôi làng nhỏ ở Bắc Sinai đã giết chết ít nhất 305 người, trong đó có cả trẻ em và làm bị thương hơn 100 người khác. 

Thủ đoạn nguy hiểm

Đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào những người Hồi giáo đang cầu nguyện tại một nhà thờ ở Ai Cập và là vụ tấn công gây thương vong lớn nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước này. 

Mặc dù chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên, song dư luận rộng rãi cho rằng vụ tấn công này được thực hiện bởi một nhóm tự nhận mình là “Sinai State” hoặc “Sinai Province”, có trụ sở tại Sinai và có liên quan đến tổ chức khủng bố khu vực là Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn từng đứng ra thừa nhận đã tiến hành các hoạt động khủng bố quy mô lớn nhất tại nước này trong những năm vừa qua. Mohamed Gomaa, nhà nghiên cứu tại Phòng Arập và Khu vực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram có trụ sở tại Cairo nói: “Nhà thờ này thuộc về nhánh Sufi thần bí của người Hồi giáo Sunni, những người đến nhà thờ này bị IS coi là dị giáo”. 

Ngày 25/11, trong một tuyên bố, phía Ai Cập cho biết vụ tấn công ở Sinai được thực hiện bởi gần 30 tay súng mặc quần áo đen mang theo cờ đen của IS. Trao đổi với Tân Hoa xã, nhà nghiên cứu Gomaa nói: “Vụ tấn công nhà thờ này cho thấy nỗ lực của một nhánh thuộc IS ở Bắc Sinai muốn tự đưa chúng vào bản đồ thế giới nhằm thu hút sự ủng hộ về tài chính cũng như chiêu mộ những người trung thành từ các thành viên của IS đang chạy trốn trong bối cảnh tổ chức này bị thất bại tại Syria và Iraq”. Nhà nghiên cứu Gomaa nhấn mạnh, nhánh của IS ở Sinai đang phải đối mặt với áp lực từ các vụ tấn công của các lực lượng an ninh cũng như sự xuất hiện của một nhóm được truyền cảm hứng từ mạng lưới al-Qaeda. 

Kích động hận thù

Các vụ tấn công khủng bố đã bắt đầu xuất hiện ở Ai Cập từ sau vụ quân đội lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013 nhằm phản ứng trước các vụ biểu tình ồ ạt chống lại sự cai trị kéo dài 1 năm của ông cũng như tổ chức Anh em Hồi giáo của ông. Kể từ đó, hầu hết các cuộc tấn công tập trung vào các thành phố ở Bắc Sinai như Arish, Rafah và Sheikh Zuweid, khiến hàng trăm cảnh sát và binh lính bị thiệt mạng, trước khi lan rộng sang các tỉnh khác và nhằm vào các nhà thờ cũng như người Hồi giáo đến cầu nguyện tại các nhà thờ. 

Gomaa giải thích rằng các chiến dịch an ninh được tăng cường ở đông bắc Sinai và việc siết chặt an ninh tại các khu vực biên giới giáp Gaza có thể đã khiến các nhánh của IS phải chuyển hoạt động từ các thành phố  Arish, Rafah và Sheikh Zuweid ở Bắc Sinai sang một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Bir al-Abed. Nhà nghiên cứu người Ai Cập này nói: “Có thể nói rằng việc tấn công vào các đền thờ Hồi giáo cho thấy một chiến lược mới của các phần tử khủng bố ở Ai Cập mà thông qua đó, chúng tuyên bố mở rộng mục tiêu tới cả những người Hồi giáo tham gia buổi cầu nguyện hôm 24/11”. 

Hassan Nafaa, giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Cairo cho rằng, vụ tấn công đẫm máu vào đền thờ Hồi giáo, dù chưa tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, sẽ kích động sự hận thù của người dân với các nhóm tay súng ở Ai Cập, thậm chí cả các nhóm ghét bỏ chế độ nhất. Ông nói: “Rõ ràng, tội ác này là bằng chứng cho thấy tất cả mọi người đều trở thành mục tiêu của khủng bố, bất luận họ theo tín ngưỡng nào”. Ông Nafaa nói thêm rằng việc nhóm khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm cũng không quan trọng bởi chúng đều giống nhau và đều đáng bị loại bỏ. 

Xã hội Ai Cập nhận thức rõ rằng chủ nghĩa khủng bố và các nhóm khủng bố là mối đe dọa lớn nhất với họ và tương lai đất nước và dù chúng ủng hộ chế độ hay không, người dân chắc chắn không thể chấp nhận hành động khủng bố như vậy. Giáo sư này nói: “Thông qua vụ tấn công thảm khốc này, các nhóm tay súng muốn chứng minh rằng chúng có đủ khả năng để tấn công bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, để reo rắc nỗi kinh hoàng khắp cả nước và xói mòn chính phủ, nhưng đây là một chiến lược sai lầm mà có thể mang lại các hậu quả trái ngược, đó là sự tức giận, căm thù  và bài trừ của người dân”... 

Đọc thêm