Thế giới một năm nhiều biến động

(PLVN) - 2020 là một năm thế giới chứng kiến nhiều biến động, nhất là “bão” Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, cuộc sống hàng tỷ người đảo lộn.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ và hoành hành khắp thế giới.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ và hoành hành khắp thế giới.

Đại dịch - Từ khóa của năm 

Đầu tiên phải nói đến đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan rộng trên khắp thế giới. Từ những ca viêm phổi lạ ở Vũ Hán vào tháng 11/2019, Covid-19 lan nhanh ra toàn thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, khi toàn cầu đã ghi nhận hơn 77 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người tử vong và con số chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Đại dịch đang tàn phá nặng nề mọi khía cạnh đời sống con người, từ kinh tế, y tế, giáo dục đến những mối quan hệ xã hội, cách mà cộng đồng tương tác với nhau. Để kiềm chế đại dịch lây lan, hàng loạt quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới, trường học và nơi làm việc, đồng thời hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Từ đó tạo nên nhiều “thành phố ma”, nơi hàng triệu người chấp nhận cuộc sống trong 4 bức tường.

Đại dịch Covid-19 được ví như một “cú đấm chí mạng” với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020. 12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm từ 4,4 - 4,9% trong năm nay như nhiều định chế tài chính dự báo. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên 82.000 tỷ USD trong vòng năm năm tới.

Dù chưa phải là tính toán cuối cùng, đây vẫn là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Còn thực tế, chưa một con số nào đong đếm được chính xác tác động khi mà khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do Covid-19.

Năm 2020, lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế đồng loạt rơi vào suy thoái do Covid-19. Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia…, những cái tên vẫn đang nối dài. Các nước cũng đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP…

Không chỉ vậy, trước đại dịch, người dân tại các quốc gia đang phát triển phải chi hơn 500 tỉ USD cho dịch vụ y tế. Chi phí đắt đỏ này đã tạo thành gánh nặng tài chính cho hơn 900 triệu người và đẩy gần 90 triệu người vào cảnh siêu nghèo mỗi năm.

Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo, vấn đề này sẽ trầm trọng hơn sau đại dịch. Ở giai đoạn cao điểm của các lệnh phong tỏa, hơn 160 quốc gia đã áp dụng việc đóng cửa trường học khiến ít nhất 1,5 tỉ học sinh và sinh viên phải nghỉ học. WB cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đến giáo dục sẽ kéo dài thêm nhiều thập kỷ tới.

Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo là nhiều thành quả gây dựng trong nhiều năm “đội nón ra đi”.

Hàng không có lẽ là ngành hứng cú đánh mạnh nhất của Covid-19, thua lỗ nặng và sa thải ồ ạt trở thành “cơn ác mộng” của hàng không toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%.

Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm nay sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD, tệ hơn nhiều so với dự báo lỗ trên 84 tỷ USD đưa ra tháng 6. Các hãng hàng không đang lay lắt để sống sót qua đại dịch.

Để ngăn chặn dịch bệnh, suốt một năm qua, nhiều loại vaccine đã được đưa vào nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, cấp phép. Một số mẫu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đã cho hiệu quả lên đến 95%. Đây được xem là thành tựu khoa học đầy ấn tượng, bởi thông thường việc nghiên cứu vaccine phải mất đến cả một thập kỉ, một số trường hợp thậm chí thất bại.

Nỗi ám ảnh “Đại dịch châu chấu” ở châu Phi

Kế đến là đại dịch châu chấu, nỗi kinh hoàng đối với mùa màng và người dân ở châu Phi. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), đám mây châu chấu khổng lồ ước tính khoảng 150 triệu con trên một km2 đã tràn vào châu Phi. Chúng ăn điên cuồng, cắn xé mọi thứ không bỏ sót từ đậu, bắp, cao lương, mùa màng bị phá sạch thậm chí chúng còn đâm vào người.

Trung bình mỗi ngày, một đàn châu chấu có thể càn quét diện tích lớn nông nghiệp cho 2.500 người và trở thành mối đe dọa vô cùng lớn đối với an ninh lương thực, đặc biệt ở những cộng đồng đã bị đói kém, hạn hán và chiến tranh.

Theo đó, lượng châu chấu lớn này đã xuất hiện ở Kenya từ những ngày đầu năm 2020 với hàng trăm triệu con tràn vào quốc gia này từ các nước lân cận là Somalia và Ethiopia. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, một bầy châu chấu có thể gần 200 tỷ con ở Kenya, bao phủ diện tích khoảng 2.400 km2.

Đại dịch châu chấu khiến châu Phi điêu đứng vì thiếu lương thực.
 Đại dịch châu chấu khiến châu Phi điêu đứng vì thiếu lương thực. 

Ít nhất 700 ha hoa màu đã bị phá hủy, đe dọa nặng nề an ninh lương thực tại Ethiopia, Somalia và Kenya - 3 nước vốn luôn trong tình trạng mất mùa bởi thiên tai. Đối với Somalia và Ethiopia, hai quốc gia này chưa từng bị phá hoại thế này trong ít nhất 25 năm qua. 

Không chỉ vậy, một con châu chấu chỉ dài 4,5-6 cm và nặng 2gr nhưng có thể ăn lượng thức ăn bằng trọng lượng của nó mỗi ngày. Bầy châu chấu thay đổi từ dưới một đến vài trăm km2, trong mỗi km2 có thể có từ 40-80 triệu con, di chuyển từ 3 đến 130-150km mỗi ngày. Tại mỗi điểm đáp xuống, một đàn châu chấu cỡ trung bình có thể tàn phá 192 triệu kg - tương đương lượng hoa màu toàn bộ dân số Kenya tiêu thụ. 

Tiếp đó, những đàn châu chấu bắt đầu vượt biên sang Ấn Độ từ Pakistan vào đầu tháng 1/2020, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các khu vực phía tây nước này, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Các đàn châu chấu đã tàn phá hàng ngàn ha đất canh tác ở bang Gujarat, Tây Bắc Ấn Độ. Các chuyên gia côn trùng học cho biết đây là nạn châu chấu nghiêm trọng nhất xảy ra ở Gujarat kể từ năm 1994. 

Lũ lụt tàn phá châu Á

Không hề nói quá khi cho rằng năm 2020 là một năm thực sự nhiều thách thức đối với cả thiên nhiên và con người trên Trái đất. Hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành khiến nhiều nước châu Á liên tiếp hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra lũ lụt cục bộ, sạt lở đất… gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Tính đến cuối tháng 9/2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ có đánh số (lũ ở quy mô lớn nhất định), tăng gấp 1,6 lần so với năm trước và đạt mức kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998. Lũ lụt đã xảy ra trên sáu con sông chính, trong đó có sông Dương Tử và sông Hoàng Hà.

Tổng cộng có 833 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động, nhiều hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 267 con sông vượt mức an toàn và 77 con sông lên mức cao lịch sử. Năm 2020, lượng mưa trung bình ở Trung Quốc đạt 616mm, nhiều hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và cao thứ hai kể từ năm 1961.

Hình ảnh lũ lụt ở Ấn Độ.
 Hình ảnh lũ lụt ở Ấn Độ. 

Lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỷ USD, làm 2,7 triệu người phải sơ tán, khoảng 63 triệu người đã bị ảnh hưởng và 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, 219 người đã chết hoặc mất tích.

Theo Tân Hoa xã, mực nước đã tăng lên 167,6m - mức cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng vào năm 2003. Đợt lũ thứ 5 trên sông Trường Giang cùng với lũ trên sông Gia Lăng là hệ quả của mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã kích hoạt mức phản ứng cao nhất đối với lũ lụt trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp độ của Trung Quốc.

Lũ lụt cũng đang gây hậu quả nghiêm trọng tại Ấn Độ và Bangladesh. Tại Ấn Độ, mưa lớn ở thủ đô New Delhi gây ngập lụt nhiều tuyến đường. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong mùa mưa năm nay, cả nước đã có 847 người thiệt mạng vì lũ lụt. Tại bang Bihar - bang nghèo nhất nước này, khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hàng ngàn người phải ngủ trên đê và đường cao tốc do thiếu lán trại sơ tán.

Riêng Thủ đô Jakarta (Indonesia) từng hứng chịu lũ lụt ngay trong Tết Nguyên đán 2020 làm ít nhất 23 người thiệt mạng. Đây là trận lũ làm nhiều người thiệt mạng nhất ở Jakarta kể từ lũ lụt năm 2013. Trời mưa xối xả. Nước dâng lên rất nhanh. Hàng chục ngàn người phải sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời. Nhà cửa và xe cộ ngập trong nước và bùn. Người dân di chuyển bằng xuồng bơm hơi hoặc ruột xe…

Trong khi đó, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ…

Tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái…

Có thể thấy, lượng mưa cực lớn từ tháng 6/2020 dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều nơi tại Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ. Ông Kaiser Rejve - Giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh - nhận xét, “Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường tăng lên đáng kể, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các trận lũ gần đây báo hiệu tần suất và cường độ lũ lụt và xói mòn sông có nguy cơ gia tăng trong những năm tới”. 

Đọc thêm