Một năm đại dịch Covid-19 – góc nhìn từ việc làm

(PLVN) - “Đại dịch Covid-19 và nỗi ám ảnh thất nghiệp” – đó là cụm từ mà tất cả người lao động tại các quốc gia trên thế giới phải đối mặt trong năm 2020 – năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Sự thất nghiệp, giảm lương của cá nhân, kéo theo sự khủng hoảng toàn cầu về mọi mặt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý 2/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 của ILO mới công bố cho thấy, Covid-19 đã khiến tiền lương tháng giảm đi hoặc tăng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2020 ở 2/3 số quốc gia toàn cầu có số liệu chính thức. Cuộc khủng hoảng này sẽ khiến tiền lương giảm trầm trọng trong thời gian tới, đặc biệt với phụ nữ hơn nam giới. Số liệu ước tính dựa trên số liệu chọn mẫu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy, nếu không có trợ cấp, tiền lương của phụ nữ trong quý II năm 2020 đã bị giảm 8,1%, trong khi con số này ở nam giới là 5,4%.

Sự thất nghiệp, giảm lương của cá nhân, kéo theo sự khủng hoảng toàn cầu về mọi mặt. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đại dịch Covid-19 đang khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Vì Covid-19, số người chết đói sẽ tăng từ 135 triệu lên 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch vì chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ. 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%.

Theo ước tính của Liên Hợp quốc (LHQ), năm 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19.  Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có thể có thêm khoảng 83-132 triệu trẻ suy dinh dưỡng vì đại dịch. Tại nhiều nơi, tình trạng khan hiếm lương thực và dịch bệnh đã gây ra mâu thuẫn và bạo lực.

Hàng không có lẽ là ngành hứng “cú đánh” mạnh nhất của Covid-19. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%.

Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm nay sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD. Về du lịch, theo báo cáo của LHQ, lượng khách quốc tế từ 1,5 tỷ lượt năm 2019 sẽ giảm 58% - 78% trong năm 2020, tương đương từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt. Ngành du lịch toàn cầu thiệt hại từ 910 triệu đến 1,2 nghìn tỷ USD và đe dọa hơn 120 triệu việc làm….

Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) việc chữa lành “vết sẹo” do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể mất tới 5 năm. 

Đọc thêm