Thế giới thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài

(PLO) - Nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ phán quyết được Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đưa ra hôm 12/7.
Người Philippines vui mừng khi phán quyết được đưa ra. Ảnh: AP
Người Philippines vui mừng khi phán quyết được đưa ra. Ảnh: AP

Các nước ủng hộ

Theo AFP, Tòa trọng tài trong phán quyết vừa được đưa ra, theo đó tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc cũng không “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông. Tòa cũng khẳng định việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt ở bãi cạn Scarborough là bất hợp pháp.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Tòa. Giới chức Mỹ ngày 12/7 tuyên bố phán quyết của Tòa cần phải được coi là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý. “Chúng tôi chắc chắn sẽ hối thúc tất cả các bên không sử dụng đây làm cơ hội để có hành động gây hấn hay leo thang căng thẳng” – Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói tại một cuộc họp báo trên chuyên cơ Air Force One. 

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain – Chủ tịch Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ và người cùng đảng Cộng hòa Dan Sullivan đã ra tuyên bố cho rằng Trung Quốc hiện đối mặt 2 lựa chọn: tuân theo luật pháp, các thể chế và chuẩn mực quốc tế hoặc chọn con đường đe dọa và cưỡng ép đồng thời thúc giục các bên có tuyên bố chủ quyền khác tìm kiếm giải pháp tương tự cho các tranh chấp trên biển thông qua trọng tài và đàm phán. 

Các Thượng nghị sỹ này cũng cho rằng Mỹ cần phải thường xuyên thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc bằng các cuộc tuần tra bằng máy bay và tàu chiến và làm rõ sự quan tâm của Mỹ trong việc ngăn ngừa Trung Quốc quân sự hóa các thực thể chiến lược. Các ứng viên giả định của đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây Donald Trump và Hillary Clinton đều đã lên tiếng kêu gọi các nước tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 13/7, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói rằng EU hoàn toàn tin tưởng vào thủ tục tố tụng tại Tòa trọng tài ở The Hague và rằng châu Âu sẽ tiếp tục có tiếng nói ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển. Ông Tusk hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài sẽ là một thời khắc tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi bật ở Biển Đông.

Còn Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cảnh báo Trung Quốc về những tổn thất nặng nề về danh tiếng nếu phớt lờ phán quyết của Tòa, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Singapore cũng thúc giục các bên tuân thủ hoàn toàn tiến trình pháp lý và ngoại giao trong khi Thái Lan kêu gọi các nước sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, điều mà nhiều nước thành viên ASEAN khác cũng mong muốn. 

Trung Quốc phản ứng giận dữ

Theo New York Times, cách thức Trung Quốc phản ứng với thất bại pháp lý vừa qua sẽ cho thế giới thấy được cách tiếp cận của nước này với luật pháp quốc tế, việc sử dụng sức mạnh to lớn và tham vọng toàn cầu của nước này. 

Trên thực tế, AFP cho hay, Trung Quốc đã phản ứng đầy giận dữ với phán quyết của Tòa trọng tài và khăng khăng giữ quan điểm về các quyền lịch sử của nước này ở Biển Đông. “Đừng biến Biển Đông thành cái nôi của chiến tranh” – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lớn tiếng đe dọa và miêu tả phán quyết là “giấy lộn”. Ông Lưu cũng mạnh miệng cho rằng Trung Quốc có “quyền” thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. “Việc chúng tôi có cần phải lập khu vực như vậy ở Biển Đông hay không phụ thuộc vào mức độ của đe dọa mà chúng tôi nhận thấy” – ông Lưu nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thậm chí còn lớn tiếng hơn. “Phán quyết chắc chắn sẽ làm gia tăng các xung đột và thậm chí là đối đầu” – ông Thôi đe dọa từ Washington. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc trong một bài xã luận đăng ngày 13/7 tuyên bố Trung Quốc sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải” của nước này.

Một ngày sau phán quyết, Trung Quốc hôm qua đã cho 2 máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay mới ở Đá Xubi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đài Loan cũng đã điều tàu chiến tới Biển Đông.

Cần giữ cái đầu lạnh

Học giả Termsak Chalermpalanupap tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài là một đòn giáng mạnh vào sự tự tin và niềm tự hào của Trung Quốc. Chuyên viên cấp cao William Choong tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thì cho rằng chìa khóa để giảm thiểu căng thẳng là “trao cho Trung Quốc một chiếc thang để bước xuống”.

Song, cả 2 học giả này đều cho rằng không nên “chà vào vết thương của Trung Quốc” bằng việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự. “Nếu họ bị sỉ nhục công khai, như việc đang xảy ra, và bạn chà vào vết thương với việc tiến hành tập tận quân sự, bạn sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ” – ông Choong nhận định.

Để giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, các chuyên gia thúc giục ASEAN cần phải đóng vai trò hòa giải. Ví dụ, ông Termsak cho rằng ASEAN có thể tạo không gian để Philippines và Trung Quốc bắt đầu các cuộc đối thoại để tìm ra những cách thức mới để quản lý những bất đồng ở Biển Đông.

Cho rằng những “cái đầu lạnh” sẽ chiếm ưu thế, ông Johnston nhận định “đây chính là phép thử và nếu ASEAN xử lý tốt, đây có thể là khởi đầu của một thứ gì đó”.

Đọc thêm