Truyền thông phương Tây ồn ào rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thể hiện sự thiếu văn minh và khác biệt quá lớn giữa các ứng cử viên - tỷ phú Donald Trump, một doanh nhân đi ngược lại các nguyên tắc truyền thống của xã hội, đại diện cho đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton, chính trị gia kiểu mẫu thuộc đảng Dân chủ. “Cuộc đua” của hai ứng cử viên đã cho thấy những “vết nứt” sâu trong lòng xã hội Mỹ…
Đánh thức lòng tự hào
Về chủ quan, có thể nói rằng khí chất cứng cỏi và bản lĩnh của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump - một doanh nhân rất thành đạt trên thương trường - đã thuyết phục được cử tri Mỹ. Từ vòng bầu cử sơ bộ, ông Trump nhanh chóng vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, cho dù nhiều người cho rằng ông thậm chí còn không thể trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa.
Bên cạnh đó, những chính sách của ngôi sao truyền hình thực tế này đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự sau quãng thời gian dài đảng Dân chủ cầm quyền với một nền kinh tế Mỹ bị trì trệ do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và ngày càng lép vế trước sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga, Trung Quốc...
Khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã thực sự đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều cử tri. Những cử tri ủng hộ ông Trump không hẳn yêu thích con người ông nhưng ủng hộ ông vì những mối lo như vấn đề người nhập cư, việc làm, bản sắc,...
Ông tuyên bố sẽ cắt giảm sự hỗ trợ đối với các đồng minh, giảm can thiệp vào các điểm “nóng” để ưu tiên dành các nguồn lực cho phát triển đất nước. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương “cứng rắn” của bà Clinton như cam kết đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương,...
Ngoài ra, sự phản đối nhằm vào ông Trump trong thời gian qua cũng giống như tâm lý đám đông trên thị trường tài chính, có thể bủa vây vào một thời điểm nào đó nhưng cũng có thể qua đi rất nhanh chóng.
Cho dù trong đoạn băng video bị tiết lộ, những lời lẽ khiếm nhã với phụ nữ hồi năm 2005 của ông Trump có phần gây sốc và bất bình trong dư luận ra sao, thì tất cả những nội dung trong đó cũng không có gì tệ hơn những gì ông đã nói trước đây. Vấn đề mà nhiều cử tri Mỹ quan tâm là tỷ phú này sẽ làm gì khi trở thành tổng thống Mỹ, thay vì việc ông sẽ làm gì với một phụ nữ đã có gia đình.
Nước Mỹ chưa sẵn sàng…
Về mặt khách quan, rất nhiều cử tri Mỹ đã mất niềm tin vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton sau vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công khi bà còn giữ cương vị Ngoại trưởng từ năm 2009-2013. Đa số cử tri Mỹ cho rằng bà là người thiếu trung thực, nhiều người đã ví von rằng vụ bê bối này có ảnh hưởng không khác gì vụ Watergate vì đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Mỹ.
Dù Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã khẳng định giữ nguyên kết luận hồi tháng 7/2016 về vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton, song trên thực tế, vụ việc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của cử tri, đặc biệt là những người còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Mặt khác, khi các kết quả thăm dò trước bầu cử liên tục cho thấy cựu Ngoại trưởng dẫn trước đối thủ có lúc lên đến hai con số đã vô hình trung gây ấn tượng mạnh rằng bà Clinton chắc chắn sẽ giành chiến thắng và vì thế, nhiều cử tri ủng hộ bà “chủ quan” không đi bỏ phiếu do tin tưởng về thắng lợi của bà. Có thể nói, việc bà Clinton bị thất cử trong cuộc bầu cử đầy kịch tính này cũng cho thấy một thực tế là dường như nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chào đón một nữ tổng thống.
Và có một sự thật, rất nhiều người quan tâm đã nhầm lẫn số liệu khảo sát với thực tế, cuộc trưng cầu dân ý Brexit về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 là một ví dụ điển hình.
Khi đó, hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng chiến thắng tất yếu thuộc về phe “ở lại” song kết quả đã “sốc nặng”. Gần đây hơn, đầu tháng 10, người dân Colombia bất ngờ từ chối thỏa thuận hòa bình lịch sử với quân nổi dậy FARC, ngược hoàn toàn với dự kiến của chính phủ. Những thực tế này một lần nữa “lại đúng” với thất bại của bà Hillary Clinton trước Donald Trump.
Ông Donald Trump mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ |
Hồi hộp đối mặt…
Có thể nói, kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng là lúc bắt đầu thử thách đối với kinh tế toàn cầu. Mỹ, với tư cách là siêu cường duy nhất trên toàn cầu, chính sách về kinh tế, ngoại giao của tổng thống Mỹ sẽ liên quan đến lợi ích thiết thân của nhân dân các nước. Vì thế, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn có hiệu ứng lan tỏa ra bên ngoài, ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Nhìn từ vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra email của bà Hillary Clinton, gây ra sự chấn động tài chính toàn cầu, có thể thấy ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với nước ngoài thậm chí còn lớn hơn đối với bản thân nước Mỹ. Bởi lẽ, Tổng thống Mỹ ở trong nước còn chịu sự ràng buộc của chính đảng và quốc hội, nhưng ở nước ngoài, hệ thống thương mại, tài chính lấy đồng đôla Mỹ làm trung tâm và thế lực quân sự vượt trội trên toàn cầu, quyền lực của tổng thống Mỹ là không chịu hạn chế, tức là vừa có thể với tư cách “cảnh sát thế giới” bảo vệ trật tự quốc tế, vừa có thế lấy vai trò siêu cường gây ra rất nhiều phiền phức đối với các nước.
Trái với cương lĩnh của Hillary Clinton nhấn mạnh chủ nghĩa cô lập thực dụng, cương lĩnh chính sách ngoại giao của Donald Trump là kiên trì ngoại giao quan niệm giá trị của Mỹ, là chủ nghĩa can dự được thực hiện từ trước đến nay. Ngẫm kỹ, có thể nhận thấy khẩu hiệu mà Donald Trump hô hào là “ưu tiên nước Mỹ”, về bản chất là lợi ích của Mỹ được đặt lên hàng đầu.
Những tuyên bố về chính sách ngoại giao của Donald Trump cũng khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc vô cùng lo ngại. Những vấn đề mà tỷ phú Donald Trump chủ trương là không tiếp nhận dân di cư, người tị nạn, xây dựng bức tường tại biên giới Mỹ-Mexico, phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản, giải tán NATO, để các nước đồng minh của Mỹ gánh vác trách nhiệm tự vệ, thậm chí buông tay để Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.v.v…
Việc Donald Trump giành thắng lợi trong bầu cử, lên nắm quyền nước Mỹ và sẽ có thể thực hiện bất kỳ điều nào trong những chủ trương này đang khiến cả thế giới “hồi hộp” với những tác động cỡ “động đất” của nó.
Sự trỗi dậy và chiến thắng của Donald Trump còn có thể thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu tư tưởng dân túy cánh hữu chống di dân ở châu Âu. Các chính đảng theo chủ nghĩa dân túy thuộc cánh hữu như Mặt trận quốc gia Pháp, đảng Độc lập Anh, đảng Tự do Áo.v.v… năm nay đều mở rộng thế lực mạnh mẽ trong bầu cử.
Donald Trump giành thắng lợi, các cuộc bầu cử chính trị quan trọng sắp diễn ra tại châu Âu, bao gồm bầu cử ở Italy và bầu cử tổng thống Áo vào tháng 12 tới, cũng như bầu cử tổng thống Pháp, bầu cử thủ tướng Đức vào năm tới cũng sẽ đều có thể xuất hiện biến số.
Trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, trong thời gian đầu, chính sách kinh tế của Mỹ sẽ theo khuynh hướng coi trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong nước, chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ trỗi dậy, chính sách di dân sẽ thặt chặt. Sau bầu cử, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ khởi động chủ kỳ tăng lãi suất là điều không cần phải nghi ngờ, chính sách lãi suất thấp sẽ buộc phải chuyển hướng.
Trong tương lai, việc Mỹ ký hiệp định thương mại tự do với nước ngoài sẽ càng thận trọng hơn. Việc Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu phải đàm phán lại, sẽ ảnh hưởng đến sự điều chỉnh kinh tế khu vực trên phạm vi toàn cầu. Riêng những di sản ngoại giao tích cực của Obama để lại như thế giới không vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như cơ chế đối thoại kinh tế liệu có được tiếp tục duy trì hay không vẫn còn là ẩn số.
Chiến thắng bất ngờ nhưng thuyết phục của ứng cử viên Donald Trump, một người được coi là “ngoại đạo” trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cho thấy nguyện vọng của cử tri Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự. Trong bối cảnh đó, ông Trump chắc chắn được coi là làn gió mới mang lại hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ trong 4 năm tới. Chỉ có điều, nước Mỹ sau cuộc bầu cử cũng sẽ trở thành một quốc gia bị chia rẽ, cũng như chính phủ Mỹ khóa tới sẽ bị chia rẽ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa...