Thế hệ Z và sứ mệnh môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thế hệ Gen Z, những người sinh sau năm 1997 đã lớn lên cùng với thời đại biến đổi khí hậu, nên hơn ai hết, Gen Z hiểu rõ sức khỏe của hành tinh có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của bản thân mình như thế nào và từ đó họ muốn được hành động…
H'Hen Niê cùng các bạn trẻ tham gia kỳ trại Du Xuân trồng rừng
H'Hen Niê cùng các bạn trẻ tham gia kỳ trại Du Xuân trồng rừng

Hoa hậu trồng rừng

Từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đã chọn ngày 21/3 hằng năm là “Ngày Thế giới trồng cây” để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững trong tương lai.

Hưởng ứng Ngày Thế giới Trồng cây 21/3, ngày 22/3/2022 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới - H'Hen Niê cùng các bạn trẻ tham gia kỳ trại Du Xuân trồng rừng và người dân địa phương trồng gần 17.000 cây gỗ lớn bản địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.

Khu vực trồng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại những vùng đất cần phục hồi thành rừng. Hơn 40 loài cây sẽ được trồng làm giàu hơn 17ha rừng là các loài cây gỗ đa mục đích, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: Gõ đỏ, Cẩm lai, Giáng hương, Sến mật, Chò Chỉ…

Hoạt động trồng rừng giúp phủ xanh hơn 17ha rừng đặc dụng đầu nguồn nghèo kiệt thuộc tỉnh Thanh Hóa; cải thiện chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nơi sinh sống cho các loài quý hiếm. Đặc biệt, hoạt động trồng rừng còn hướng tới mục tiêu tạo ra bộ sưu tập cây gỗ lớn nhất Việt Nam trong tương lai do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên phối hợp thực hiện.

“Ngày nay, với sự phổ biến của công nghệ thông tin, thế hệ Gen Z như tôi có thể dễ dàng tiếp cận với các kiến thức về thiên nhiên và thiên tai, mình cũng ý thức rất rõ rằng thiên tai không hoàn toàn là thiên tai nữa. Thiên tai bây giờ nên gọi là nhân tai thì đúng hơn. Chính các hoạt động của con người như: phá rừng, tiêu thụ quá mức, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên... đang khiến cho thiên tai xảy ra ngày một nhiều và nặng nề hơn. Tôi cũng nhận thấy, mỗi bạn trẻ ở thế hệ của mình cũng đều có thể hành động, không cần chờ đợi. Nếu nói hơi cường điệu, thì mỗi bạn đều có thể chọn để trở thành người hùng tiếp theo, hay cam chịu là nạn nhân tiếp theo” - Thơm Đặng, một bạn trẻ Gen Z.

Về phần mình, giữa lịch trình dày đặc các hoạt động, Hoa hậu H’Hen Niê vẫn cố gắng bố trí tham gia chuyến đi trồng rừng lần này. “Hen rất vui và tự hào vì lần này được đồng hành cùng Gaia và rất nhiều bạn trẻ để trồng rừng đặc dụng đầu nguồn, khôi phục hệ sinh thái và nơi trú ẩn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. Bản thân Hen cũng sinh ra và lớn lên ở làng bản nhưng thực sự khi đặt chân đến đây, Hen thực sự bị thu hút bởi những câu chuyện về thiên nhiên, về quá trình trồng và phục hồi rừng đặc dụng đầu nguồn đầy gian nan. Và nhất là chuyến đi càng giúp Hen thấm thía được tầm quan trọng của việc trồng rừng, bảo vệ rừng” - Hoa hậu xúc động chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhấn mạnh: “Sự tham gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê và các bạn trẻ khắp mọi miền Tổ quốc là nguồn động lực lớn, giúp Gaia càng quyết tâm khôi phục thêm nhiều khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. Mỗi đóng góp của các bạn đều đang cùng chúng tôi tạo ra thay đổi, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho chính chúng ta”. Gần 17.000 cây gỗ lớn do H’Hen Niê cùng các bạn trẻ và người dân địa phương trồng hôm nay sẽ tiếp tục được chăm sóc và giám sát trong 4 năm tới để đạt được tỷ lệ sống cao nhất có thể.

Gen Z - thế hệ sống và làm việc vì môi trường

Con người chúng ta hay các thế hệ đi trước dường như không mấy quan tâm đến những vấn đề như vậy. Họ có thể lựa chọn một sự nghiệp êm đềm trong thành phố, làm việc bên trong các tòa nhà được bao bọc bằng điều hòa. Nhưng ngày càng có nhiều người trẻ thuộc thế hệ Z muốn dấn thân vào công cuộc sửa chữa những gì mà cha ông mình góp phần gây ra.

Theo khảo sát của Tổ chức Kiểm toán Ernst & Young (EY), 37% thanh niên thế hệ Z tham gia xem biến đổi khí hậu là mối quan tâm cá nhân số một của họ và 32% đã tự mình hành động để giải quyết vấn đề. Cả hai tỷ lệ trên đều cao hơn so với các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, hơn 3/4 thế hệ Z muốn những vấn đề về môi trường được giảng dạy ở trường học. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra 32% người được hỏi thuộc thế hệ Gen Z nói rằng họ sẵn sàng hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc theo đuổi sự nghiệp cả đời trong lĩnh vực này.

Thật vậy, ngày càng có nhiều Gen Z theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Và đó không phải là một trào lưu nhất thời. Gen Z đang thể hiện mình muốn cống hiến và tạo ra tác động tích cực trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Năm 2020, Đại học Nam California thực hiện một khảo sát cho thấy tới 91% sinh viên thuộc tất cả các ngành quan tâm hoặc rất quan tâm đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững. 60% số sinh viên trả lời khảo sát nói rằng họ đang thực hành các biện pháp sống xanh và bền vững mỗi ngày hoặc mỗi tuần.

Jill Sohm, Trưởng khoa Môi trường cho biết: "Trước đây, chỉ có sinh viên trong khoa mới quan tâm đến môi trường và tính bền vững của nó. Nhưng bây giờ tôi đã thấy cả sinh viên đang theo học các ngành khác cũng tham gia". Bên cạnh đó, Shom cũng cho biết trong 5-10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều Gen Z đăng ký vào khoa Môi trường. Điều này phản ánh thực tế ở nhiều trường đại học ở Mỹ cho thấy số lượng sinh viên tìm kiếm bằng cấp và nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực môi trường đang tăng lên.

Tại Việt Nam, từ nhận thức vì một đất nước Việt Nam yên bình, tươi xanh cho các thế hệ trong tương lai, giới trẻ cần phải hành động làm sạch môi trường ngay từ bây giờ, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng và triển khai rộng khắp các chương trình, các phong trào hoạt động với nhiều nội dung mới, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong thanh niên và xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường.

Một số chương trình tiêu biểu được triển khai trong thời gian qua như: hoạt động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”; Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phòng chống hạn hán, xâm ngập mặn; hoạt động hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”; tổ chức Ngày môi trường thế giới, Ngày Đại dương Thế Giới, Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Chủ Nhật xanh...

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam kêu gọi: “Các cấp bộ Đoàn và mỗi bạn trẻ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên về pháp luật bảo vệ môi trường; về tác hại của túi ni lông, chất thải nhựa đối với môi trường, trong đó có môi trường biển và đại dương, ưu tiên các hình thức truyền thông hiện đại trên các mạng xã hội. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sáng tạo khởi nghiệp xanh trong đoàn viên, thanh niên; mô hình sản xuất, kinh doanh sạch; tích cực phối hợp tham gia công tác kiểm tra giám sát về bảo vệ môi trường, tố giác vi phạm về môi trường, các hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường”.

Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) được các bạn trẻ thành lập với mục tiêu nghiên cứu nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu khoa học, nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng nhau chung tay bảo tồn hệ sinh thái. Mọi vùng đất dù là đồi núi hay vực sâu khắp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã in hằn dấu chân các thành viên của GreenViet. Những người trẻ nơi đây đã tổ chức hàng trăm chuyến đi bám bản để thuyết phục, tập huấn cho những "người rừng" nơi đây biết sống hòa hợp với rừng. Họ được người dân vùng núi từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum đến Khánh Hòa... đặt cho cái tên: “những người trẻ nhiều chuyện”.

Dương Thị Mai Ly, điều phối viên một dự án của trung tâm, nói rằng do độ chênh giữa văn hóa, tiếng nói cùng tập tục sống đời với rừng của nhiều người dân vùng núi khiến hành trình gặp phải vô vàn khó khăn. Nhóm có thể thuyết phục người dân ngồi nghe về mức độ nguy cấp và có thể sẽ tuyệt chủng của các loài vật nếu như con người không có động thái bảo vệ, bảo tồn. Nhưng để tập cho người dân thay đổi lối sống chỉ biết dựa vào rừng núi và khai thác triệt để từ thiên nhiên như xưa nay lại không hề dễ. “Người dân bảo chúng tôi là những đứa trẻ nhiều chuyện, bởi bao đời nay họ vẫn săn bắn, vẫn chặt cây nhưng rừng và thú vẫn đầy mà không hiểu rằng không có chuyện rừng vàng biển bạc nếu chúng ta không biết trân quý, tái tạo”, theo Mai Ly.

Không hẳn chuyến đi nào cũng thành công, nhưng bằng cách chấp nhận với biệt danh “nhiều chuyện” cùng biện pháp mưa dầm thấm sâu, những nơi mà nhóm đi qua đang có những thay đổi tích cực. Người dân đang bỏ dần hoạt động săn bắn, bẫy bắt thú hoang mà thay vào đó là chăn nuôi, trồng nhiều rừng hơn, từ đó đời sống cũng được cải thiện hơn.