Liên quan tới thẻ nhà báo, Điều 35 của dự thảo Luật Báo chí quy định: “Thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí. Những người thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo nhưng chưa đủ điều kiện để xét cấp thẻ nhà báo, cơ quan báo chí có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu để hoạt động báo chí”.
Nói thêm về quy định này, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết: “Hiện nhiều cơ quan báo chí vẫn đang cấp thẻ phóng viên, nhất là cơ quan báo chí của các Hội. Chúng ta không phủ nhận các loại thẻ khác nhưng cần thiết phải quy định rõ thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí”.
Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải cho rằng không nên quy định Tổng biên tập cơ quan báo chí phải có bằng đại học chuyên ngành báo chí, vì thực tế nhiều Tổng biên tập hiện nay không học báo chí, chỉ nên quy định là có trình độ đại học.
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng - Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cũng cho rằng phải phân biệt giữa các loại hình cơ quan báo chí để quy định phù hợp về độ tuổi của Tổng biên tập. Nếu chỉ quy định chung một độ tuổi phù hợp pháp luật lao động là không phù hợp thực tế vì “có Tổng biên tập báo các hội có người 88 tuổi vẫn làm việc” – ông Thái cho biết.
Dự thảo Luật Báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều. Trong đó có 25 điều cũ có chỉnh sửa và 23 điều mới hoàn toàn. Nội dung dự thảo Luật Báo chí mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với báo chí..