Thể thao sai cách, hại nhiều hơn lợi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thể thao, vận động là hoạt động có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, việc luyện tập thể thao quá mức, sai cách, sai kĩ thuật gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí mất đi tính mạng đang là một thực trạng cần cảnh báo.
Người tập nên cân nhắc thể trạng, bệnh lý, độ tuổi khi tham gia các môn thể thao để tránh rủi ro. (Nguồn: Decathlon)
Người tập nên cân nhắc thể trạng, bệnh lý, độ tuổi khi tham gia các môn thể thao để tránh rủi ro. (Nguồn: Decathlon)

Càng tập càng... yếu

Cảm thấy mình đang có dấu hiệu tăng cân, sức khỏe không được như trước, anh N.Đ.V., 31 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đã đăng kí một khóa tập gym ở gần nhà. Thời gian đầu, anh tập luyện hăng say, thử nhiều bộ môn trong phòng tập như chạy bộ, đạp xe đạp, nâng tạ, gập bụng, nâng cơ mông... Sau một thời gian, anh thấy cân nặng giảm, cơ thể săn chắc, nhưng lại gặp phải một số triệu chứng lạ trên cơ thể như những cơn đau nhức khắp toàn thân, thường xuyên mất ngủ, thắt lưng dưới đau mỏi khó chịu. Sau một thời gian không thuyên giảm, anh V. đi khám và được bác sĩ phân tích, những triệu chứng này xuất hiện là do anh tập luyện quá mức, khiến các nhóm cơ bị tổn thương, cơ thể đau nhức, ảnh hưởng đến thần kinh gây khó ngủ. Cạnh đó, động tác gập bụng, nâng cơ mông của anh có thể bị sai tư thế do tự nhìn người khác rồi tập, dẫn đến dây thần kinh cột sống bị tổn thương. Anh V. được chỉ định nghỉ ngơi vài ngày, sau đó giảm tần suất tập luyện, tập các bài tập nhẹ. Nếu những cơn đau không thuyên giảm sẽ phải có phác đồ điều trị khác.

Một trường hợp khác, anh T.L.A., 43 tuổi, đến một bệnh viện đa khoa khu vực quận 11 để khám vì khớp gối thời gian qua liên tục đau nhức. Bác sĩ hỏi thì mới biết, anh A. là vận động viên chạy bộ không chuyên. Anh A. chuyên tham gia các giải chạy lớn nhỏ từ 3 năm nay. Từ cấp độ 7km, anh dần tăng lên 11km, 41 km và đến nay đã tham gia những giải chạy trên 70km. Đồng thời anh cũng luyện tập chạy bộ mỗi ngày với cường độ mạnh, mỗi ngày chạy đến hàng chục km, thậm chí trước các kì giải, anh có thể chạy đến gần 20km mỗi ngày. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, chính việc chạy bộ với cường độ mạnh liên tục, quá sức trong khi tuổi anh không còn trẻ, đồng thời khi chạy, trọng lượng cơ thể áp lực lên gối, khiến sụn gối của anh bị tổn thương, không có thời gian phục hồi nên ngày càng nặng và đến nay đã có dấu hiệu nguy hiểm, anh A. phải dừng việc chạy bộ để điều trị.

Thực tế, những trường hợp như anh V., anh A. là không hiếm. Đã có quá nhiều ca chấn thương, tổn hại sức khỏe do tập thể dục sai cách hoặc quá sức. Những ca đá bóng, đánh tennis bị rách cơ, trật khớp, nứt xương. Những ca tập yoga vượt quá giới hạn cơ thể đến tổn thương dây chằng, chấn thương cột sống cổ... Và thậm chí, có không ít ca tham gia các giải chạy bộ, leo núi bị đột quỵ do quá sức.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng từng tiếp nhận một số trường hợp bị đột tử trong khi đang đá bóng nghiệp dư, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được. Các trường hợp này thường là những thanh niên trẻ từ 30 - 40 tuổi, có bệnh lý tim mạch, huyết áp tiềm ẩn trước đó nhưng không đi khám sàng lọc nên không biết.

Thực tế, theo thống kê, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có người không biết bệnh do không đi khám bệnh định kì. Cũng nhiều trường hợp những người chơi thể thao đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là không sao. Có những ca có bệnh nền tim nhưng vẫn tham gia đi phượt đường dài, leo núi... để rồi đột ngột qua đời khi đang giữa hành trình.

Trả lời báo chí, Thạc sĩ Trịnh Đình Dương, HLV, Giảng viên Trường ĐH TDTT TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Cty Thể thao sức khỏe cộng đồng Nam Việt chia sẻ, thực tế, nhiều người tập thể thao, nhưng không có tác dụng tốt tới sức khỏe bản thân vì tập luyện sai phương pháp.

Tập luyện sai cách như không khởi động làm nóng cơ, nhảy vào tập luyện ngay; chọn bài tập không phù hợp với thể trạng, sức khỏe, tuổi tác; cường độ tập luyện không hợp lý; không giãn cơ sau khi tập… không chỉ không đạt mục tiêu mà còn có thể gây tổn thương cơ, viêm khớp xương… khiến cơ thể yếu đi, dễ lão hóa sớm.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc tập luyện những môn thể thao đòi hỏi sức bền thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng “ngộ độc tim”, gây rối loạn nhịp tim (arrhythmia) và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ do truỵ tim. Theo nghiên cứu được công bố từ Tạp chí Tim mạch châu Âu đã cho thấy việc lạm dụng, tập thể dục quá mức có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hệ tim mạch.

Ngoài ra, tập thể dục quá sức có thể làm xương yếu đi nhanh chóng do các hoạt động thể lực quá sức khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn hormone cortisol và ngăn chặn sự phát triển của xương. Điều này có thể gây ra tình trạng rạn, nứt xương và các bệnh lý về xương nghiêm trọng khác như viêm khớp, loãng xương.

Tập thể thao sao cho đúng?

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, 1/2 số ca chấn thương xương khớp ở nước ta xảy ra ở những người chơi thể thao nghiệp dư. Đáng nói hơn, không chỉ chấn thương về xương khớp, không ít những trường hợp đột ngột tử vong khi đang tham gia thể thao hoặc sau đó đã được ghi nhận.

Cần chú ý đến kĩ thuật đúng và giới hạn sức khỏe khi thực hiện các động tác khó trong khi tập luyện. (Nguồn: yogavn)

Cần chú ý đến kĩ thuật đúng và giới hạn sức khỏe khi thực hiện các động tác khó trong khi tập luyện. (Nguồn: yogavn)

Phát biểu trên truyền thông, PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Chấn thương thể thao là chấn thương rất thường gặp, không chỉ xảy ra ở những vận động viên chuyên nghiệp mà đa phần gặp ở những người chơi thể thao nghiệp dư. Qua thực tế lâm sàng, khai thác bệnh sử người bệnh, chúng tôi nhận thấy có một vài nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này, như người bệnh chơi bộ môn thể thao không phù hợp với lứa tuổi, tình trạng cơ thể, hoặc không khởi động kỹ trước khi tập luyện. Thậm chí có những người đã tập luyện rất lâu, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn gặp phải chấn thương vì tập luyện với cường độ quá cao. Đương nhiên, cũng có những trường hợp chấn thương do những biến cố không lường trước được, ví dụ như thiết bị, nơi tập luyện không đảm bảo an toàn. Đáng nói hơn, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít người bệnh gặp chấn thương do tự tập luyện theo những hướng dẫn chưa được kiểm chứng qua mạng xã hội mà không có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng”.

Các chuyên gia phân tích, các sai lầm mà nhiều người mắc phải khi chơi thể thao dẫn đến sức khỏe suy yếu, mất sức, chấn thương, thậm chí đột quỵ bao gồm việc quên khởi động trước khi tập, tập luyện liên tục không cho cơ thể nghỉ ngơi; không uống nước; không thực hiện giãn cơ sau khi tập; tập các động tác khó ngoài khả năng hoặc tập luyện sai cách; không dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi có thể khiến cơ thể bị quá sức, mệt mỏi và dễ gây ra chấn thương.

Theo các chuyên gia, khởi động là một trong những bước quan trọng nhất trước khi bắt đầu tập luyện, giúp cơ thể ấm lên và ngăn ngừa chấn thương, mệt mỏi, chuột rút. Ngoài ra, nhất thiết phải uống đủ nước vì khi tập thể dục, cơ thể có khả năng mất nước qua da và hơi thở. Khi cơ thể có dấu hiệu mất nước, người tập sẽ bị chóng mặt, hôn mê, cơ bắp sẽ không hoạt động tốt...

Việc tập thể dục sai tư thế thì không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây chấn thương, gây ra các tổn thương khác về lâu dài như vẹo cột sống, gù...

Nguy hiểm nhất là trường hợp tập luyện liên tục, không cho cơ thể thời gian ngừng nghỉ, tập quá sức, hoặc đẩy giới hạn chịu đựng của cơ thể lên cao nhất. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các thương tật vĩnh viễn và đột quỵ thường xảy ra thời gian qua.

Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi tập các môn thể thao, cần tìm hiểu kỹ và trang bị kiến thức về môn thể thao ấy để biết tập sao cho đúng, cho đủ, trang bị kỹ năng phòng, tránh chấn thương. Cạnh đó, người tập cũng nên trang bị đồ bảo hộ phù hợp với môn thể thao mình đang chơi. Ví dụ chạy bộ cần bọc bảo vệ các khớp, chạy xe đạp cần phải có áo bảo hộ, mũ; môn đá bóng cần có giày đá bóng, môn boxing cần có găng tay, mũ và miếng ngậm bảo vệ răng…

Đặc biệt, các chuyên gia khuyên rằng, mặc dù mỗi người có những môn thể thao yêu thích riêng, nhưng khi chơi bộ môn thể thao nào cũng phải xem xét thể trạng, lứa tuổi, bệnh lý của mình có phù hợp hay không, hoặc phù hợp tập ở mức độ nào. Có như thế mới tránh được những rủi ro có thể xảy đến, giúp cho việc tập luyện đạt được hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.