Theo tư liệu lịch sử, ngay trong tháng 6 và 7/1975, đoàn Thể dục dụng cụ thanh niên Hà Nội gồm các vận động viên (VĐV) của Đoàn Thể dục thể thao (TDTT) Quân đội; Sở TDTT Hà Nội; Trường Đại học TDTT trung ương (Từ Sơn, Bắc Ninh) do Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Huy Khôi làm trưởng đoàn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ đã đi biểu diễn phục vụ nhân dân tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ... Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thể thao phía Nam đặc biệt là giới trẻ với thể dục dụng cụ - môn thể thao đã phát triển mạnh ở miền Bắc.
Trong báo cáo tổng kết công tác TDTT trường học của ngành TDTT giai đoạn 1975-1985 đã đánh giá: "Cùng với chương trình thể dục nội khóa và nếp thể dục - vệ sinh được duy trì ở nhiều nơi, phong trào 4 môn điền kinh phối hợp được mở rộng, đến nay đã có gần 50% số trường có phong trào rèn luyện môn này".
Đến năm 1979, ngành TDTT và Đoàn TNCSHCM đều duy trì việc tổ chức thường niên “Hội khỏe truyền thống hàng năm trong học sinh các trường phổ thông” và đỉnh cao của hoạt động TDTT dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng - là Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần.
Nhiều cuộc tranh tài thể thao lớn toàn quốc đã diễn ra như cuộc đua vượt sông truyền thống Bạch Đằng lần thứ 5 được tổ chức trên sông Hương của thành phố Huế vào ngày 11/6/1976. Tham dự cuộc đua khi đó có 152 VĐV (64 nữ), đại diện cho 20 tỉnh, thành và 4 ngành tranh tài sôi nổi mà báo chí lúc bấy giờ đã gọi giải là "Bài ca thống nhất của các dòng sông". Đến năm 1978, giải Bóng bàn toàn quốc cũng đã được tổ chức tại thành phố biển Quy Nhơn, quy tụ các tay vợt xuất sắc trong nước...
Bóng đá miền Bắc khi nước nhà còn chia cắt thi đấu ngang ngửa với các đội tuyển Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Liên Xô... Khi ấy, Đường sắt cũng đang là câu lạc bộ (CLB) đứng thứ hai ở giải vô địch miền Bắc, chỉ sau Thể Công và trong đội hình có nhiều gương mặt trẻ xuất sắc như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính, Trường Sinh, Minh Điểm, Hoàng Gia...
Còn đội tuyển miền Nam sau chức vô địch SEAP Games lần thứ nhất (năm 1959 tại Thái Lan) đã có chỗ đứng trong tốp 4 châu lục cùng những thành tích như: vô địch Merdeka Cup 1966, đánh bại Nhật Bản, Hàn Quốc... Đội bóng đá Cảng Sài Gòn lúc đó nổi tiếng quy tụ các cầu thủ từng chinh chiến các giải đấu quốc tế như Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Văn Tư, Lê Đình Thăng, Nguyễn Tấn Trung...
![]() |
Trận đấu giao hữu ngày 7/11/1976 mang ý nghĩa của sự kết nối, gắn liền Nam - Bắc sau thời gian chia cắt do chiến tranh. Nguồn Cục TDTT. |
Và ngày 7/11/1976 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi Đội Tổng cục Đường sắt đại diện cho bóng đá miền Bắc vào miền Nam đá giao hữu với Đội Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất. Trận giao hữu mang ý nghĩa của sự kết nối, gắn liền Nam - Bắc sau thời gian chia cắt do chiến tranh. Sân Thống Nhất chật cứng với con số khán giả kỷ lục hơn 30.000 người xem, đó là chưa kể đến hàng ngàn cổ động viên ngồi ngoài sân reo hò bên tiếng loa phóng thanh tường thuật trực tiếp từ radio.
Đến năm 1977 là sự ra đời của giải đấu Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), giải Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và giải Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam). Đến năm 1980, Giải bóng đá vô địch quốc gia chính thức ra đời và Tổng cục Đường sắt đã đăng quang ngôi vô địch lần đầu tiên.
Sau một loạt các sự kiện thể thao, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I vào năm 1985 là sự kiện đánh dấu bước tiến rõ rệt của phong trào TDTT trên toàn quốc. Sau khi được tiến hành tại các cấp ở 52 tỉnh, thành và 2 ngành, Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên được tổ chức từ ngày 22 - 29/9/1985 tại Hà Nội. Đại hội có 27 đoàn tham gia thi đấu 13 môn với 1.253 VĐV (338 nữ), 225 cán bộ, 190 HCV và 239 trọng tài. Tại Đại hội, đã có 19 kỷ lục quốc gia bị phá và xác lập mới. Xếp hạng chung cuộc, đoàn thể thao TP.HCM dẫn đầu với 43 Huy chương vàng, 39 Huy chương bạc, 20 Huy chương đồng. Hà Nội đứng thứ nhì với 24 HCV, 24 HCB, 36 HCĐ và thứ ba là đoàn Quân đội với 20 HCV, 21 HCB, 20 HCĐ...