Người phụ nữ kể lại, khoảng 1 giờ sau khi tiêm filler, chị xuất hiện các triệu chứng đau vùng tiêm. Bệnh nhân tự tiêm thuốc tan tại spa, nhưng tình trạng này không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm. Người này sau đó đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm filler do tiêm không đúng kỹ thuật bởi người không có chuyên môn. Sau đó, bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị kháng sinh, trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Theo bác sĩ Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, tiêm filler là một phương pháp làm đẹp không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng, không gây mê hoặc gây tê và được coi là an toàn với cơ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn và uy tín. Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: liên quan đến kỹ thuật tiêm và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép. Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nghiêm trọng nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu.
Thời gian qua có không ít ca biến chứng do tiêm filler tại những cơ sở không uy tín. Đơn cử, tháng 1/2024, một người phụ nữ 31 tuổi ở Thái Bình phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu do biến chứng sau 4 năm tiêm filler để cải thiện hõm và tăng kích thước vòng 3.
Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 1 cô gái 17 tuổi nhập viện sau tiêm filler tại một tiệm cắt tóc, gội đầu. Dù được điều trị nhưng thị lực của bệnh nhân vẫn âm tính.
Tháng 9/2023, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân bị tai biến sau tiêm chất làm đầy tại nhà nghỉ. Cả 2 bệnh nhân được chẩn đoán bị tai biến sau tiêm filler không rõ loại. Sau điều trị, tuy thị lực của 2 bệnh nhân nhìn rõ, các chỉ số sinh tồn ổn định nhưng vẫn còn máu tụ ở vùng mi mắt và má 2 bên...