Thêm 2 người ở Cà Mau bị chó dại cắn

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Cà Mau vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dại do chó cắn trên địa bàn.

Trường hợp thứ nhất là một cháu bé ở ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, bị chó dại cắn ở vùng mặt và đầu vào ngày 19/3.

Trường hợp thứ hai là một phụ nữ ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, bị chó dại cắn vào vùng chân và tay. Cả 2 trường hợp này đều được ngành chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục thú y vùng VI, kết quả đều dương tính với bệnh dại. Hiện cả hai người đã được hướng dẫn tiêm vaccine phòng bệnh dại, huyết thanh kháng dại.

Người dân đưa chó đi tiêm vaccine phòng dại.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau Mau đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên đàn chó, nguy cơ bệnh dại lây sang người là rất cao. Do đó, CDC Cà Mau khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại.

Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo và chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Thời gian vừa qua, cả nước liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp bị chó dại cắn ở Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên, Nghệ An...

Virus dại xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Chính vì vậy, việc chủ động phòng, chống bệnh dại trong thời điểm này là rất cần thiết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Đọc thêm