Ba tình nguyện viên của nhóm thứ 2 (gồm 20 người) được tiêm thử vaccine Nanocovax với liều 50 mcg gồm 1 nam và 2 nữ tiếp tục. Trước khi tiêm, các tình nguyện viên cũng được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang...
Sau khi tiêm, họ được theo dõi ở phòng riêng tại Học viện Quân Y trong 72 giờ đầu. Sau khi xác định được tính an toàn của vaccine, 17 tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm vaccine Nanocovax với liều 50 mcg, tương tự với quy trình của nhóm đầu tiên (25 mcg).
Giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất được chia làm 3 đợt tiêm, mỗi đợt 20 người, thử nghiệm các liều 25, 50 và 75 mcg.
Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viên Quân Y, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược Quân sự, sau đợt tiêm liều 25 mcg, 20 tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không có phản ứng phụ. Họ chủ yếu đau nhẹ và sốt nhẹ 37,8 độ C.
Dự kiến, giai đoạn một của thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc trong khoảng 1,5 tháng. Trong quá trình này, Học viện Quân Y tiếp tục tuyển chọn tình nguyện viên để thực hiện giai đoạn 2, nhằm đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine cần phải có thời gian và đặc biệt là phải có minh chứng về mặt khoa học đánh giá về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine. Vì vậy cần phải có thời gian để triển khai nghiên cứu và đưa ra minh chứng khoa học để giúp cho nhà quản lý có thể cho phép sử dụng vaccine.
Cũng theo ông Quang, dự kiến thời gian nghiên cứu cho vaccine Nanocovax giai đoạn 1 là 4 tháng, giai đoạn 2 là 4 tháng để gối đầu và giai đoạn 3 là 6 tháng. Như vậy, dự kiến cuối năm 2021, chúng ta sẽ có các dữ liệu về nghiên cứu lâm sàng đối với vaccine Nanocovax./.