Sẽ dễ dàng tiếp cận xe buýt
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Tramoc) đang đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới xe buýt để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m. Cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị khoảng 300 - 600m.
Các điểm dừng xe buýt sẽ được bố trí theo nguyên tắc tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị chia sẻ với báo chí: “Tramoc cũng sẽ nghiên cứu và tham mưu thành phố phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21 điểm trên địa bàn.
Trong đó 5 điểm trung chuyển kết nối trực tiếp xe buýt với các nhà ga lớn của đường sắt đô thị, cho phép xe buýt hoạt động với tần suất cao, đa dạng về hướng tuyến, bảo đảm năng lực tổ chức xe buýt kết nối trung chuyển hành khách với đường sắt đô thị; 10 điểm trung chuyển phục vụ kết nối nội mạng tại các vị trí thuận lợi cho việc tái cấu trúc mạng lưới, phân tách các tuyến buýt nội thành, ngoại thành, tổ chức các tuyến buýt gom…
Việc làm này sẽ hình thành mạng lưới có cấu trúc dựa trên các điểm trung chuyển thay vì cung cấp các dịch vụ kết nối trực tiếp với cự ly dài; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ”.
Ông Phương cũng thông tin thêm, theo tính toán ban đầu, với cách làm này sẽ có thêm khoảng 1,4 triệu người dân được tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ dưới 500m và nhiều người khác sẽ có thêm giải pháp kết nối với phương tiện công cộng bằng xe máy, xe đạp công cộng với xe buýt, đường sắt đô thị để giảm thời gian chuyến đi, tối ưu hóa chi phí, thời gian đi lại.
Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc lựa chọn hình thức để huy động được các nguồn lực ngoài xã hội vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng là điều thực sự cần thiết.
Để phát triển hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt theo hướng đồng bộ, hiện đại UBND TP đã có chủ trương kêu gọi, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Như việc cho phép nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình và được khai thác vận hành trong thời hạn 20 năm.
Bất cập điểm dừng, nhà chờ
Trong năm những năm gần đây, hạ tầng xe buýt Thủ đô tiếp tục được quan tâm đầu tư, năm 2019 phát triển mới 470 điểm dừng (tăng 14% so với năm 2018); phát triển thêm 6 điểm đầu cuối (tăng 6% so với năm 2018).
Theo số liệu thống kê, hiện nay, Hà Nội hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt trong đó 361 điểm dừng xe buýt có nhà chờ, phục vụ hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt, với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% các quận, huyện, thị xã; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu.
Chia trung bình, cứ khoảng 1km lại có một điểm dừng. Còn riêng khu vực nội thành, hiện các điểm dừng đỗ xe buýt cách nhau tầm 500-600m.
Hệ thống hạ tầng bao gồm điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thấy một thực tế rằng việc bổ sung thêm nhiều điểm dừng xe buýt và phân bổ các điểm dừng đỗ quá gần nhau tại nội thành mặc dù tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt hơn nhưng lại khiến xe buýt phải dừng lại quá nhiều, thời gian chuyến đi bị tăng lên.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay, theo quy định, điểm dừng xe buýt tại nơi có vỉa hè rộng từ 5m trở lên phải lắp đặt nhà chờ. Song thực tế, số đường phố có vỉa hè rộng đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc phát triển thêm số lượng nhà chờ.
Bên cạnh đó, nhiều công trình dân dụng, giao thông đang triển khai tại khu vực có điểm dừng nhà chờ, nên nhiều nhà chờ phải thu hồi, di chuyển để bảo đảm quy hoạch và tổ chức giao thông của công trình.
Theo số liệu mà Sở GTVT đưa ra thì hiện nay trong các điểm dừng và nhà chờ xe buýt tại Hà Nội chỉ có khoảng 11% điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội và thời tiết của Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão, nắng gay gắt và những cơn mưa thất thường xảy ra bất cứ lúc nào thì chắc chắn rằng sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ cho hành khách là một sự bất tiện rất lớn. Tình trạng này khiến hành khách cảm thấy ngần ngại khi lựa chọn xe buýt là phương thức di chuyển chính.
Trên thực tế, nội thành đã vậy, những tuyến đường càng xa trung tâm thành phố lại càng khan hiếm những điểm dừng xe buýt có nhà chờ, ghế ngồi, mái che. Tần suất các chuyến xe ít, thời gian chờ đợi lâu trong khi nhiều tuyến đường lại thiếu cây xanh che phủ cho nên hành khách đứng chờ xe buýt rất vất vả.
Một vấn đề nữa là tình trạng chiếm dụng, xâm phạm các vị trí hạ tầng của xe buýt. Tại nhiều điểm dừng xuất hiện các xe ô tô, xe máy, thậm chí xe rác dừng đỗ ở lòng đường gây cản trở. Một số điểm dừng có nhà chờ, các điểm trung chuyển thì có hàng rong chiếm dụng, làm nơi để hàng hoá đẩy người đứng đợi xe phải xuống lòng đường.