Thêm hàng chục trường hợp bị “Ngân gốm” lừa đảo... con số có còn tăng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngay sau khi bài viết “Hàng loạt khách hàng mê muội trước “Ngân gốm”, bị lừa mua hàng xịn giá rẻ” của Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải, tòa soạn liên tiếp nhận được thêm hàng chục phản ánh của người dân về trường hợp bị lừa đảo khi mua hàng qua fanpage “Ngân gốm” này.
Nhiều khách hàng bị facebook Ngân gốm lừa tiền thông qua hình thức bán hàng online.(Ảnh chụp màn hình facebook Ngân gốm).
Nhiều khách hàng bị facebook Ngân gốm lừa tiền thông qua hình thức bán hàng online.(Ảnh chụp màn hình facebook Ngân gốm).

Tiếp tục chạy quảng cáo trên Facebook để lừa đảo

Giống như những nạn nhân trước, các trường hợp bị Ngân gốm lừa đảo, khi phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam đều bị đối tượng này dùng chung một thủ đoạn để lừa tiền.

Cách thức lừa đảo của tài khoản Ngân gốm là đăng bán các sản phẩm như giường tầng, xe máy, xe đạp trẻ em, điện thoại, máy tính xách tay.... với giá rất hấp dẫn, sau đó “dụ” khách hàng chuyển khoản trước rồi chiếm đoạt luôn số tiền của khách mà không giao hàng như đã hứa, hoặc giao hàng không đúng chất lượng.

Điều đáng nói, sau mỗi lần lừa được khác hàng, đối tượng này vẫn ung dung, thản nhiên, tiếp tục đăng bài, chạy quảng cáo Facebook và “gài bẫy” thêm nhiều khách hàng khác.

Để thủ đoạn không bị bại lộ, trang facebook Ngân gốm này không cho hiển thị phần bình luận của bài đăng, tuy nhiên điều dễ nhận thấy ở các bài đăng của Ngân gốm đều có nhiều lượt trạng thái “phẫn nộ”. Đây chính là những người đã bị dính “bẫy” lừa đảo trước đó nhưng không thể nhắn tin hay bình luận vào bài được.

Những bài đăng trên facebook của Ngân gốm.
Những bài đăng trên facebook của Ngân gốm. 

Trong quá trình tiếp nhận phản ánh về “Ngân gốm”, phóng viên đã tiếp xúc được với hàng chục nạn nhân bị Ngân gốm lừa đảo. Những nạn nhân này đều là những người ở xa, không có điều kiện tìm đến tận nơi để đòi tiền, họ lập nhóm cùng với nhiều người khác để cùng nhau tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân gốm.

Theo các nạn nhân, đối tượng “Ngân gốm” này đã lừa rất nhiều người từ nhiều năm về trước, như trường hợp của anh Trần Anh Tuấn (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tháng 8 năm 2019, anh Tuấn có mua 2 chiếc đồng hồ nữ của Ngân gốm trị giá 10 triệu đồng. Hai chiếc đồng hồ này có nhãn hiệu VERSAC được Ngân gốm quảng cáo là “hàng hiệu chính hãng xách tay từ bên Nam Phi về”.

Để được đặt hàng, Ngân gốm đã yêu cầu anh Tuấn chuyển tiền trước rồi mới gửi hàng. Tin lời đối tượng, anh Tuấn đã chuyển đủ số tiền trên tới số tài khoản 0931004199908 mang tên Đỗ Thị Kim Ngân – Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai – Hà Nội.

Giấy nộp tiền của anh Trần Anh Tuấn cho Đỗ Thị Kim Ngân khi mua 2 chiếc đồng hồ trị giá 10 triệu đồng.
Giấy nộp tiền của anh Trần Anh Tuấn cho Đỗ Thị Kim Ngân khi mua 2 chiếc đồng hồ trị giá 10 triệu đồng. 

Sau khi chuyển khoản, anh Tuấn yêu cầu Ngân gửi hàng kèm theo hóa đơn và thẻ bảo hành. Nhưng đến ngày hẹn, mãi vẫn không nhận được hàng, anh Tuấn gọi điện cho Ngân thì điện thoại liên tục báo không liên lạc được.

Nhắn tin qua facebook, yêu cầu Ngân giao hàng, thì anh Tuấn nhận được câu trả lời “bận bán hàng”, “shipper say rượu nên không giao được hàng...”. Mãi  sau anh Tuấn mới nhận được hàng.

Tuy nhiên, anh Tuấn chỉ nhận được 2 chiếc đồng hồ mà không có giấy tờ bảo hành hay hóa đơn. “Cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo, trao hàng giả, hàng nhái, tôi liên tục gọi điện cho Ngân gốm để báo về tình trạng 2 chiếc đồng hồ và đề nghị được hoàn lại tiền thì chị ta liên tục tắt ngang cuộc gọi và sau đó chặn luôn cả số điện thoại và facebook của tôi” – anh Tuấn nói.

2 chiếc đồng hồ nữ nhãn hiệu VERSAC mà anh Tuấn nhận được từ Ngân gốm.
2 chiếc đồng hồ nữ nhãn hiệu VERSAC mà anh Tuấn nhận được từ Ngân gốm. 

Quá bức xúc trước hành động buôn bán của Ngân gốm, anh Tuấn đã làm đơn tố cáo tới công an quận Bắc Từ Liêm – TP.Hà Nội, thì ngày 9/3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm ra thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm với nội dung: “Tạm đình chỉ xác minh đơn tố giác do chưa có kết quả định giá tài sản; chưa làm việc được với chị Đỗ Thị Kim Ngân. Tiếp tục phục hồi giải quyết đơn tố giác trên khi có thông tin, tài liệu mới”.

Hiện, anh Tuấn đang tiếp tục làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an quận Bắc Từ Liêm – TP.Hà Nội mong được giải quyết dứt điểm.

“Tôi mong cơ quan chức năng sẽ quyết liệt vào cuộc trừng trị đối tượng lừa đảo này, vì không chỉ có tôi mà rất nhiều người khác nữa cũng bị Ngân gốm lừa đảo. Đây không còn là vấn đề riêng của một cá nhân nữa mà là vấn đề của xã hội. Tiền mất có thể kiếm lại nhưng tâm lý người dân, sự an ninh cả xã hội đang bị tác động rất lớn.” – anh Tuấn nói.

Gần đây nhất, chị Lê Thị Hương Hải (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tới phóng viên về việc bị Ngân gốm lừa 3,5 triệu đồng khi mua các sản phẩm tại facebook có tên “Ngân gốm”.

Cũng giống như nhiều nạn nhân khác, khi vào mạng thấy một tài khoản Facebook có tên “Ngân gốm” hiển thị quảng cáo trên trang cá nhân, có bán các mặt hàng thanh lý giá rẻ, nên chị đã quyết định đặt mua một số sản phẩm như: 1 xe đạp, 1 máy ép chậm, 1 robot hút bụi, 1 hộp đựng xì gà với tổng số tiền là 3,5 triệu đồng.

Để đặt được hàng,  chị cũng phải chuyển tiền trước rồi mới được Ngân gốm chấp nhận đơn hàng. Vì hay mua hàng online nên chị Hải đã không ngần ngại chuyển đủ số tiền trên cho Ngân gốm. Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền, đối tượng đã chặn Facebook, zalo và số điện thoại của chị. Từ đó đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng chị Hải vẫn chưa nhận được hàng, còn người bán hàng thì luôn trong tình trạng... không thể liên lạc được.

Tương tự, chị Liễu Thùy Trang (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) cũng bị lừa mất 2 triệu đồng khi mua điện thoại iphone 11 cũ tại facebook Ngân gốm này. Đây chỉ là những trường hợp tiêu biểu trong số hàng chục nạn nhân phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam về hành vi lừa đảo của Ngân gốm sau khi bài viết "Hàng loạt khách hàng mê muội trước "Ngân gốm", bị lừa mua hàng xịn giá rẻ" của Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải.

Đánh vào “lòng tham” của khách hàng

Theo tìm hiểu của phóng viên, các mặt hàng mà Ngân gốm đăng bán đều có giá chỉ bằng nửa giá thành của các sản phẩm được bán trên thị trường, thận chí có sản phẩm chỉ bằng 1/10 giá thành của sản phẩm được bán trên thị trường. Cụ thể như: chiếc đồng hồ nữ nhãn hiệu VERSAC có giá không dưới 10 triệu đồng tuy nhiên Ngân gốm đăng bán với giá 5 triệu đồng/chiếc; iPhone11 ProMax 256gb green có giá hơn 24 triệu đồng, Ngân gốm đăng bán với giá 4 triệu đồng; xe SH có giá từ trên 70-95 triệu đồng, Ngân gốm đăng bán với giá 16 triệu đồng; tủ lạnh boss của Đức có giá trên thị trường 56 triệu đồng, Ngân gốm đăng bán với giá 5 triệu đồng...

Điều này đánh vào tâm lý ham đồ rẻ của khách hàng. Các nạn nhân đều mắc phải một lỗi hay mua hàng online nhưng không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, không tìm hiểu kỹ trang web, thông tin người bán xem có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…) hay không, mà chỉ dựa vào lòng tin và những lời có cánh của đối tượng lừa đảo, từ đó dễ dàng chi hầu bao và nhận “trái đắng”.

Điều đáng nói, thủ đoạn của đối tượng này vô cùng tinh vi, mặc dù có vô số người liên tiếp bị lừa đảo trong nhiều năm nhưng tới nay đối tượng này vẫn “sống khỏe” và thản nhiên lừa thêm được rất nhiều người.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Đọc thêm