Tại Hưng Yên, tạm dừng đến trường đối với trẻ Mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được thực hiện từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Tại Tuyên Quang dịch diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang cho trẻ em mầm non nghỉ học từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với bậc Tiểu học, THCS từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Riêng mầm non, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn và tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.
Đối với cấp THPT căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế để quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã có văn bản, yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến tiểu học tạm dừng đến trường, tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh.
Trong khi đó, một số tỉnh cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng rét đậm, rét hại. Cụ thể, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng có văn bản gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc về việc chủ động ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Căn cứ vào thời tiết thực tế tại mỗi địa phương, các nhà trường được phép chủ động cho học sinh nghỉ học (Mầm non, Tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10°C trở xuống; THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7°C trở xuống).
Trong những ngày nghỉ học do trời rét đậm, rét hại, nhà trường cần bố trí cán bộ, giáo viên trực để quản lý những học sinh vẫn đến trường; không để học sinh phải đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét. Đặc biệt, phải đảm bảo mọi hoạt động hành chính của nhà trường diễn ra bình thường.
Nhà trường nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm và không bắt buộc phải mặt đồng phục. Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định đã ký ban hành văn bản gửi tới các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh.
Công văn nêu rõ, trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại, các nhà trường cần linh hoạt hình thức dạy học. Cụ thể, trẻ em mầm non nghỉ học, học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Học sinh THCS, THPT chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C.
Trước đó, các tỉnh Đắk Lắk, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nội cho học sinh học trực tuyến.
Ngược lại, cũng có không ít tỉnh thành vẫn tiếp tục kế hoạch đón học sinh trở lại trường vào ngày 21/2 như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Phước, Đà Nẵng,...