Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai ghi nhận trên địa bàn tỉnh mới có 1 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là ông T.V.P (sinh năm 1987 ngụ tại tổ 6 ấp 1, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom).
Trước đó, ngày 29 và 30/12/2023, 4 người trong gia đình nạn nhân bị chó nuôi tại nhà (chưa tiêm phòng vaccine phòng dại) cào và cắn. Vợ và 2 người con của ông P đi tiêm vaccine phòng dại. Ông P bị chó cào xước da ở cổ tay, không chảy máu. Ông P không xử lý vết thương cũng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Con chó sau khi cào cắn 4 người trong gia đình ông P đã được người dân tiêu hủy ngay trong ngày.
Khoảng 6 tháng sau, tức ngày 12/7, ông P có dấu hiệu đầu tiên như: chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, tức ngực, khó thở. Rạng sáng ngày 13/7 gia đình đưa bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại thể não GERD/viêm da cơ địa và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM để tiến hành theo dõi và điều trị.
Đến ngày 14/7, gia đình xin đưa bệnh nhân về và tử vong tại nhà.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra rất nhiều trường hợp bị chó, mèo cào, cắn. Do đó, ngành Y tế khuyến cáo, khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cào, cắn, phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút, hay nước muối, bôi chất sát khuẩn,... Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại sau khi bị chó dại cắn, virus vào trong cơ thể người có thể kéo dài đến 1 năm, tùy theo thể trạng từng người. Có người chỉ cần 1 tuần đã phát bệnh nhưng cũng có người kéo dài từ 1-2 năm. Tuy nhiên, trung bình thời gian phát bệnh dại sau khi bị cắn, cào sẽ rơi vào từ 1-2 tháng tùy theo số lượng virus cũng như khoảng cách từ vết thương đến thần kinh trung ương.
"Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật. Tuy nhiên, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng cách tiêm vaccine – đây là cách duy nhất phòng bệnh dại. Do vậy, người dân không nên chủ quan khi thấy vết thương bị xước nhẹ mà bỏ qua việc tiêm phòng thì nguy cơ tử vong rất cao. Khi phát hiện chó, mèo lạ có biểu hiện điên cuồng, nghi bệnh dại hãy báo ngay với chính quyền địa phương để được hỗ trợ giải quyết", CDC Đồng Nai khuyến cáo.
Cùng ngày tại Quảng Bình cũng ghi nhận một người tử vong do bệnh dại sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn cách đây hơn 4 tháng.