Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến nay, trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ thì sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ (chiếm 30%).
Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.
Trong tất cả các vụ việc nói trên, Hoa Kỳ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Và đây là hành vi lẩn tránh các biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng do mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 7 vụ việc điều tra chống bán phá giá trong đó có điều tra về “tình hình thị trường đặc biệt” đều liên quan đến các sản phẩm thép.
Theo đại diện Bộ Công Thương, “tình hình thị trường đặc biệt” được hiểu là các cơ quan điều tra nước ngoài còn xem xét đến cả các chính sách có tính chất can thiệp của Chính phủ được ban hành ở cấp Trung ương cũng như địa phương có phải là một hình thức can thiệp đến giá thành sản xuất hay không.
Tuy nhiên, trong số 7 vụ việc điều tra chống bán phá giá có cáo buộc “tình hình thị trường đặc biệt”, Việt Nam đã xử lý thành công 4 vụ việc (cơ quan điều tra kết luận rằng cáo buộc của nguyên đơn là không có căn cứ); 2 vụ việc đang tiến hành điều tra và 1 vụ việc cơ quan điều tra kết luận dựa trên dữ liệu sẵn có do doanh nghiệp từ chối tham gia.
Từ đó, mức thuế bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thép được giảm đáng kể, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.