Thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ có gì mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo dự thảo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam) với cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài) để thực hiện việc đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, kiểm tra trình độ, năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết.

Các nội dung về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được quy định trong dự thảo.

Theo đó, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới khi thuộc một trong những trường hợp:

Được công nhận bởi ít nhất một tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng về ngôn ngữ mà các nước sử dụng ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chính thức thừa nhận tại thời điểm phê duyệt liên kết thi;

Một buổi thi chứng chỉ hành nghề

Một buổi thi chứng chỉ hành nghề

Được công nhận, sử dụng trong xét duyệt hồ sơ nhập cư, cấp thị thực nhập cảnh cho công dân các nước có nhu cầu định cư, làm việc, học tập tại quốc gia sử dụng ngôn ngữ là ngôn ngữ chính thức tại thời điểm phê duyệt liên kết thi;

Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chính thức công nhận tại thời điểm phê duyệt liên kết thi;

Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của người dự thi; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; được bảo mật khi sao in, đóng gói, vận chuyển (nếu có), bảo quản và sử dụng;

Việc đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tin cậy, chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh dự thi, ngăn ngừa và loại bỏ các hiện tượng gian lận trong thi cử; quy trình tổ chức thi được công bố công khai trên trang thông tin điện tử chính thức và hợp pháp của Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài;

Có quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi;

Có quy định mức lệ phí dự thi và các lệ phí khác liên quan đến quá trình dự thi (nếu có) công khai, minh bạch; thực hiện giải trình với xã hội về tài chính và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

Có quy định rõ ràng, chặt chẽ về đội ngũ cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của Các bên liên kết khi tham gia tổ chức thi;

Có bảng quy đổi kết quả thi với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR);

Có đề thi mẫu, tài liệu hướng dẫn ôn thi, hệ thống hỗ trợ thi thử bảo đảm tiếp cận bình đẳng đến các thí sinh dự thi.

Ngoài ra, kết quả thi được công bố kịp thời, chứng chỉ (hoặc phiếu điểm) được cấp đúng thời gian quy định, thủ tục cấp thêm chứng chỉ (trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực), việc tra cứu kết quả thuận lợi đối với thí sinh;

Kết quả thi phải được lưu trên hệ thống dữ liệu để phục vụ việc xác thực kết quả của bài thi trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực;

Quy trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại kết quả thi rõ ràng, thuận lợi cho thí sinh; Có biện pháp hiệu quả để bảo mật thông tin nhận dạng cá nhân, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của thí sinh.

Đối với cơ sở tổ chức thi của Việt Nam, dự thảo quy định là đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Có trang thông tin điện tử chính thức cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi.

Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam phải có ít nhất 1 cán bộ quản lý có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hoá nước ngoài thuộc ít nhất một ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi. Có đội ngũ cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên trình độ cao đẳng trở lên của ngôn ngữ tổ chức thi; có đội ngũ nhân viên phục vụ, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi. Có cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi…

Đọc thêm