Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: Những điểm cần lưu ý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong chương trình Tư vấn tuyển sinh mới đây, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đã giải đáp nhiều vấn đề về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022. Hiện đã có gần 50 trường đại học đăng ký lấy kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển đại học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không nên đăng ký thi “giữ chỗ”

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, năm 2022, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN sẽ công bố lịch thi và địa điểm thi cả năm để thí sinh sắp xếp thời gian phù hợp với kế hoạch cá nhân. Việc đăng ký dự thi đánh giá năng lực (ĐGNL; gọi tắt là HSA) thực hiện trực tuyến giống năm 2021 tại http://khaothi.vnu.edu.vn/.

Cổng đăng ký trực tuyến tiếp tục được nâng cấp về đường truyền, tải trọng phục vụ thí sinh đăng ký và nộp lệ phí. Các đợt đăng ký sẽ mở dần dần để thí sinh yên tâm đăng ký theo lịch trình kết thúc chương trình trung học phổ thông. Trung tâm Khảo thí không giới hạn số lần dự thi nhưng 2 đợt thi liền kề của thí sinh cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Các em không nhất thiết đăng ký một lần cho nhiều đợt (đã mở) vì sẽ phải đóng nhiều lệ phí (300.000 đồng/lượt), trong khi các đợt thi có thể bị điều chỉnh do dịch bệnh Covid-19. Trung tâm Khảo thí không khuyến khích thí sinh đăng ký nhiều đợt thi trong năm vì điểm thi giữa các đợt thi của thí sinh hầu như không thay đổi. Ngược lại, tâm lý đăng ký đợt đầu để “thi thử” sẽ tạo tâm lý chuẩn bị không tốt cho chính thí sinh dự thi.

Hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm: điểm học tập của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), căn cước công dân, ảnh chân dung trước khi đăng ký. Khi thí sinh hoàn thành các thủ tục đăng ký và chọn đợt thi phù hợp sẽ phải nộp lệ phí trực tuyến trong 96 giờ kể từ khi hoàn thành việc đăng ký.

Thầy Thảo nhấn mạnh, việc thí sinh nên chuẩn bị thật tốt cho một lần thi, tránh gây lãng phí bởi thực tế: “Chúng tôi cũng đã thống kê và nhận thấy một số thí sinh thi lại lần thứ 2 hay 3 thì điểm bài thi ĐGNL của thí sinh đều không thay đổi đáng kể so với lần đầu, vì bài thi ĐGNL không phải là bài kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là ĐGNL người học sau khi tốt nghiệp chương trình THPT theo những nhóm năng lực xác định”.

Kết quả thi có xét tuyển đại học được không?

Trước những thắc mắc của thí sinh ĐHQGHN tổ chức nhiều đợt thi tại các địa điểm khác nhau, kết quả thi tại các tỉnh, thành có thể dùng để xét tuyển vào ĐHQGHN và các trường ĐH phía Bắc hoặc phía Nam được không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: “Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng kỳ thi ĐGNL (HSA) của ĐHQGHN là kỳ thi chuẩn hóa. Dù tổ chức ở bất kỳ nơi nào thì đều phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt đã được chuẩn hóa. Cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng đề thi được cân bằng giữa các thí sinh, giữa các ca thi, giữa các đợt thi và giữa các địa điểm tổ chức thi. Dù thí sinh tham dự kỳ thi tại bất cứ nơi nào do ĐHQGHN tổ chức đều có giá trị như nhau.

Việc thi và xét tuyển đại học là tách biệt nhau hoàn toàn. Thí sinh phải xem xét trường đại học bạn dự kiến sẽ theo học có xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL hay không? Nếu như trường đó sử dụng kết quả thi ĐGNL như là phương thức xét tuyển thì bạn có thể yên tâm đăng ký dự thi và tham gia kỳ thi ở bất kỳ địa điểm nào phù hợp nhất với bạn để đạt kết quả cao nhất có thể”.

Nhiều thí sinh lo lắng học lệch do các em đã định hướng khối thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, thực tế cho thấy hầu hết các thí sinh lớp 12 hiện nay đã phần nào định hướng theo khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Đồng thời, bạn nên tham khảo đề thi năm trước, làm bài tham khảo để nắm bắt cách ra đề.

Trung tâm Khảo thí đã liên hệ với 17 trường đại học để đặt địa điểm thi phục vụ các đợt thi năm 2022. Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường đại học sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó, mỗi trường sẽ có những hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022. Thí sinh cần tham khảo Đề án tuyển sinh các trường dự định xét tuyển vào trước khi đăng ký dự thi ĐGNL hay kỳ thi tốt nghiệp 2022.

Hiện đã có gần 50 đại học, trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên…; các trường Đại học Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân, Thương Mại, Công nghệ Giao thông Vận tải, Kỹ thuật Y Dược, Tài nguyên Môi trường, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Vinh, Tân Trào, Phenikaa, Hồng Đức, Học viện Tòa án, Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Lao động - Xã hội, Sư phạm Hà Nội 2, Thủ đô, Hùng Vương, Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Học viện Ngân hàng, Nông - Lâm Bắc Giang, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Công nghiệp Việt Trì, Điện lực, Công nghiệp Hà Nội, Thủy Lợi, Thăng Long, Tây Bắc, Hàng Hải, Lâm Nghiệp, Học viện Chính sách… chính thức liên hệ với ĐHQGHN đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển đại học năm 2022.

Không nên luyện thi tại các trung tâm

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyến cáo thí sinh và phụ huynh: “Nhân đây chúng tôi cũng thông tin thêm là ngay sau khi ĐHQGHN tuyên bố sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển đại học, một số trung tâm, lớp luyện thi đã mở ra và quảng bá thu hút thí sinh ôn luyện. Tôi đã nhiều lần nhắc lại, việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại kết quả gì cho thí sinh.

Qua phản ánh của thí sinh trên các diễn đàn, mạng xã hội đều cho thấy chính bản thân các thí sinh cũng có lời khuyên không nên ôn luyện tại các trung tâm. Những bạn đạt điểm thi ĐGNL cao nhất năm 2021 đều là những thí sinh tự học. Các bạn đó cũng đã có nhiều bài viết chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật về bài thi ĐGNL về kinh nghiệm tự học, chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ngày thi. Năm trước thí sinh thủ khoa vào trường là 122/150 điểm”…

Đọc thêm