Thí điểm chế định thừa phát lại tại 13 địa phương

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại - nhấn mạnh: “Những thành công của việc thí điểm TPL tại TP. Hồ Chí Minh  mới chỉ là bước đầu, cải cách càng đi vào chiều sâu thì những khó khăn, thách thức mới lại xuất hiện nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm hơn, bền bỉ hơn”.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại - nhấn mạnh: “Những thành công của việc thí điểm TPL tại TP. Hồ Chí Minh  mới chỉ là bước đầu, cải cách càng đi vào chiều sâu thì những khó khăn, thách thức mới lại xuất hiện nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm hơn, bền bỉ hơn”.

Nhu cầu lớn nên phải “cân đối”

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết, thực hiện Nghị quyết 36 của Quốc hội, Quyết định số 510 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL”, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các bộ ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhiều công việc, trong đó đã thống nhất lựa chọn các địa phương làm thí điểm (gồm 13 địa phương, kể cả TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, đã có 9 địa phương xây dựng xong Đề án gửi về Bộ Tư pháp thẩm định; bên cạnh đó, liên ngành TW cũng đã soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 61 về hoạt động của TPL được thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh.

Nhìn vào những kết quả của quá trình thí điểm, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào nhận xét, chế định TPL được triển khai hiện nay là thực sự cần thiết, nhất là khi số lượng án tại nhiều địa phương đang tăng cao, trong khi biên chế ngành Tòa án có hạn. Tuy nhiên, ông Hào cũng lưu ý, cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho TPL hoạt động, nhất là về năng lực nghiệp vụ, “nếu tống đạt không hợp lệ, hay lập vi bằng không chính xác …sẽ phải làm đi làm lại, ảnh hưởng đến tiến độ xét xử của Tòa án”.

Mặc dù việc triển khai mở rộng chế định TPL đang được tiến hành khẩn trương ở 13 địa phương, tuy nhiên đã xuất hiện những khó khăn bước đầu. Trong đó có việc phải “điều chỉnh” số người đi học và lập Văn phòng vì nhu cầu quá cao. Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cho biết: “Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn trong việc xem xét sẽ cấp phép cho ai, năng lực như thế nào, mở Văn phòng ở đâu. Dự kiến chúng tôi sẽ phải lập Hội đồng để xét duyệt”.

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Bích đề cập đến một khó khăn khác đó chính là vấn đề về nhận thức. “Nhận thức về TPL của xã hội, cơ quan tổ chức, người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp còn chưa đầy đủ”. Vì thế, ông Bích đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về TPL và đây cũng là đề nghị chung của nhiều địa phương.

Bắt tay vào thực hiện mở rộng thí điểm TPL, hiện các địa phương cũng đang khó khăn về nhân lực. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định Nguyễn Bá chia sẻ: “Biên chế để thực hiện quản lý nhà nước cho công tác TPL tại Sở Tư pháp chưa có, hiện chỉ phân công cán bộ kiêm nhiệm. TPL cũng là lĩnh vực mới, nên kinh nghiệm quản lý, giải quyết công việc của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước chưa sâu”. Vì thế, “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung thêm biên chế cho Sở Tư pháp”.

Tháng 10 sẽ đi vào hoạt động

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện chế định thí điểm chế định TPL - nhấn mạnh, một trong những điểm sáng thành tựu được khẳng định của cải cách tư pháp chính là việc mạnh dạn, kiên trì từng bước vững chắc thực hiện xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và bước đầu thí điểm thành công Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đã đem lại một diện mạo mới, một đời sống mới sôi động của việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xã hội chủ động, tích cực cùng với Nhà nước hỗ trợ người dân tiếp cận tư pháp bình đẳng, an toàn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện chế định thí điểm chế định TPL phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện chế định thí điểm chế định TPL phát biểu tại Hội nghị

Trước những khó khăn ban đầu của hoạt động TPL, theo Bộ trưởng “vạn sự khởi đầu nan” là một tất yếu, quan trọng hơn là qua đó, chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm cần thiết cho việc triển khai các công việc sắp tới sao hiệu quả hơn. Từ nay đến cuối năm 2013, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung cao độ hoàn thành những việc lớn. Đó là xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án, Kế hoạch thực hiện thí điểm TPL phù hợp với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành việc soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thêm một bước  cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động thí điểm TPL; hoàn tất các thủ tục bổ nhiệm thừa phát lại, đăng ký hoạt động, ổn định tổ chức và nhân sự của các Văn phòng TPL để có thể đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật. Cố gắng trong tháng 10 các Văn phòng TPL có thể đi vào hoạt động.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, theo trách nhiệm của mình, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trong ngành, địa phương một cách bài bản, quyết liệt để việc tiếp tục mở rộng thí điểm đạt những kết quả cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Văn phòng TPL không phải thể nay lập, mai giải thể

Ta phải thống nhất nhận thức TPL là công lại, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ công vì thế anh phải chịu sự kiểm soát của nhà nước. Văn phòng TPL không phải là doanh nghiệp, không phải tư nhân nên không thể nay lập, mai giải thể, mà nó là sản nghiệp cho cả con cháu mai sau kế thừa như hệ thống Văn phòng công chứng hiện nay. Vì vậy, việc bổ nhiệm TPL đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ…

Thu Hằng

Đọc thêm