Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp gặp khó vì tài sản 'ảo'

(PLO) - Nhiều trường hợp, theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có số vốn điều lệ rất lớn nhưng khi xử lý, tài sản, vốn thực tế của doanh nghiệp rất ít, gần như không có để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Cưỡng chế tại Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng (ảnh: enternews.vn)

Doanh nghiệp (DN) là một bộ phận quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và các tranh chấp trong hoạt động của DN chủ yếu xuất phát từ tranh chấp hợp đồng. Nhưng quá trình thi hành án dân sự (THADS) đối với người phải thi hành án còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết để tăng cường hiệu quả THADS, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Cơ quan chức năng không biết DN đổi tên (!?)

Ông Phan Huy Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS chỉ ra, trong điều kiện “ai cũng có thể thành chủ DN”, nhiều chủ DN còn thiếu kỹ năng quản trị DN nên nhiều trường hợp DN hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tranh chấp khiến số lượng các vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại gia tăng và nhiều trường hợp DN tê liệt nên không có tài sản để THA.

Do các thành viên, cổ đông góp vốn không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc góp vốn không đầy đủ nên nhiều trường hợp, theo đăng ký kinh doanh, DN có số vốn điều lệ rất lớn nhưng khi xử lý, tài sản, vốn thực tế của DN rất ít, gần như không có để đảm bảo nghĩa vụ THA khiến cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản DN.

Thiếu cơ chế công khai thông tin về DN và tài sản của DN nên nhiều trường hợp khi THA thì DN không còn tài sản, kể cả tài sản được dùng đảm bảo để thi hành nghĩa vụ. Nhiều DN mất tích hoặc chủ đầu tư là người nước ngoài đã bỏ về nước và hiện không liên lạc được.

Trong việc truy tìm địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài hiệu quả không cao do thiếu các hiệp định về tương trợ tư pháp. Nhiều DN nợ thuế, tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động nên khi xử lý tài sản không đủ để thi hành các khoản nghĩa vụ.

DN phải THA đã đổi tên khác nhưng khi chấp hành viên đến tiến hành xác minh, ngay chính cơ quan có thẩm quyền là Sở KH&ĐT cũng không nắm được thông tin dẫn đến việc CHV gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện các tác nghiệp tiếp theo để xử lý tài sản.

Tài sản của DN cầm cố, thế chế cho nhiều bên dẫn đến tranh chấp khi tổ chức THA. Trong khi đó, quá trình xét xử kéo dài nên khi THA thì tài sản đã hư hỏng, hao mòn cả về hữu hình và vô hình. Giá bán tài sản thấp hơn hơn với khoản được bảo đảm hoặc giá mua tài sản đó trước đây.

Không những thế, tài sản của DN rất đa dạng, phức tạp về quyền sở hữu nhưng nhiều CHV còn chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong việc xử lý tài sản của DN, nhất là tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tài sản là phần vốn góp trong DN.

Cùng nhau “ngó lơ” quy định làm khó THADS

Theo ông Phan Huy Hiếu, ngoài nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thì chính việc thực thi pháp luật chưa nghiêm là nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong việc THADS đối với DN.

Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải THA còn chưa cao, họ thường có tâm lý chống đối. Việc thẩm định giá trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng còn buông lỏng. Nhiều cán bộ tín dụng không tuân thủ đúng các quy định pháp luật, thiếu kiểm tra về việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng như tài sản bảo đảm dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tiền, tài sản ở giai đoạn THA.

Thực tế, giá thẩm định thường cao hơn rất nhiều so với giá thực tế của tài sản bảo đảm, dẫn đến việc cơ quan THADS xử lý tài sản để bảo đảm THA gặp khó khăn do giá trị thực tế của tài sản khi đó thấp hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành, không đủ để bảo đảm nghĩa vụ THA.

Như trong vụ việc THA liên quan đến Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh. Công ty này được vay hơn 63 tỷ đồng nhưng khi kê biên, thẩm định giá, tài sản thế chấp chỉ gần 3,9 tỷ đồng (chỉ khoảng 6% khoản nợ).

Còn tình trạng tổ chức tín dụng, tài chính, bảo hiểm… chưa thực hiện hết trách nhiệm trong hoạt động THADS. Việc xác minh tài khoản, phong tỏa hay khấu trừ tài khoản của người phải THA tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng của cơ quan THADS gặp nhiều trở ngại vì không nhận được sự hợp tác của các đơn vị này.

Trước thực trạng này, nhiều cán bộ THADS cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật với các quy định để thắt chặt công tác hậu kiểm hoạt động của DN, tránh tình trạng cơ quan cớ thẩm quyền chỉ quản lý "DN hoạt động trên hồ sơ" nghĩa là chỉ là những DN "ma".

Sửa đổi các quy định pháp luật về THADS liên quan đến DN, có cơ chế  thực hiện nghiêm minh, chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm, thiếu sót như việc cơ quan, tổ chức "không thực hiện các quyết định, yêu cầu hợp pháp của chấp hành viên theo quy định".

Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thủ tục xử lý tài sản để THA, tăng cường thanh tra, tiếp tục thực hiện xã hội hóa về THADS...

Đọc thêm