Khắc phục tình trạng mua nhà nhưng không được ở
Là người thường xuyên giám sát trực tiếp tại cơ sở, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, việc thực thi Luật THADS có quá nhiều bất cập. “Tôi đã chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp của HĐND thành phố những án liên quan đến ngân hàng, biết được có 700 vụ việc thôi nhưng số tiền chiếm đến 60% tổng số tiền phải thi hành. Nhưng hiện tại chúng ta đang giải quyết rất vô lý, việc kê biên, định giá của tòa không đúng thực tế. Có vụ việc phải kê biên 7 lần mới về đúng giá trị thực của tài sản mà việc trả lại cho tòa thì không được phép. Cuối cùng, cơ quan THA vẫn phải “ôm” việc đó”- ông Nam cho hay.
Cũng theo lời của ông Nam:“Hà Nội có những chuyện cười ra nước mắt, bán đấu giá cho người mua tài sản hàng chục năm rồi, đáng lẽ đó là nhà của mình nhưng người khác vẫn đang ở ngôi nhà đó do vướng mắc từ phía quy định của pháp luật. Thực tế này đòi hỏi phải sửa, nếu không sửa thì không khắc phục được bất cập”.
Tiếp lời, Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, có những án liên quan đến kinh doanh thương mại, việc đấu giá phải giảm đến 20 lần nhưng vẫn không có người mua. Ông Tiến cho biết thêm, trên thực tế có nhiều vụ án tham nhũng hoặc án tín dụng ngân hàng, số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng điều kiện của người phải THA rất nhỏ. Nhưng pháp luật quy định các vụ việc như vậy, cơ quan THADS vẫn phải đưa vào những việc có điều kiện thi hành.
“Có những vụ số tiền phải thi hành là 100 tỷ nhưng xác định giá trị người phải thi hành có 10 tỷ thôi và cơ quan thi hành án vẫn phải đưa 100 tỷ kia vào diện có điều kiện thi hành. Cụ thể, Hà Nội có vụ Phạm Thị Bích Lương phải thi hành 1.500 tỷ nhưng tất cả tài sản của đối tượng Lương này chỉ có 1 tỷ. Cơ quan THADS vẫn phải xác định đây là việc có điều kiện thi hành 1.500 tỷ”, Cục trưởng Tiến cho biết và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi chế độ báo cáo của Luật THADS để phù hợp với thực tế.
Liên quan đến quy định ủy thác THADS, các đại biểu cho rằng, hiện nay tuy đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này nhưng thực tiễn thực thi vẫn vướng mắc, khó khăn. Thực tế trong những vụ án lớn, tài sản phải thi hành có liên quan đến nhiều địa phương, tỉnh thành mà nếu cứ tuần tự xử lý hết địa phương này đến địa phương kia thì việc THA phải kéo dài và bị thất thoát.
Dẫn vụ việc điển hình tại Hà Nội là vụ án Giang Kim Đạt, ông Lê Quang Tiến cho biết, số tiền và số tài sản phải thi hành rất lớn nhưng tài sản lại tập trung ở TP HCM và Khánh Hòa, còn tại Hà Nội chỉ có 2 tài sản. “Chúng tôi đang tiến hành vụ việc này, nhưng thấy mất nhiều thời gian. Tôi cho rằng, luật cần quy định theo hướng: Nếu tài sản phải thi hành liên quan đến nhiều địa phương thì các địa phương sẽ phối hợp xử lý tài sản của đối tượng song song để tránh mất nhiều thời gian”, ông Tiến đề xuất.
Phản ánh những bất cập khác, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm Phạm Ngọc Dũng cho hay, mỗi năm Chi cục THADS Bắc Từ Liêm thụ lý giải quyết trên 1.000 việc, mỗi năm tăng 11% về việc, tăng 12% về tiền. Nhưng hiện nay, trụ sở của Chi cục vẫn đang đi mượn. Không những vậy, theo ông Dũng, lượng việc và giá trị phải thi hành án tăng dần theo hàng năm, trong khi đó biên chế thì không tăng, cơ sở vật chất giữ nguyên thậm chí kinh phí còn giảm.
Liên tục mang thai để “trốn tù”
Liên quan đến những bất cập của THA hình sự trên địa bàn TP Hà Nội. Theo các cử tri, hiện tại còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý theo dõi án phạt tù khi đưa về xã, phường, thị trấn. Theo ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại một số địa phương, những đối tượng bị phạt án treo, bị giáo dục cải tạo không giam giữ không được thực hiện, hoặc thực hiện sơ sài, hình thức. Đặc biệt, tại số ít địa phương, những đối tượng tuy đang trong thời gian cải tạo giáo dục còn phạm thêm nhiều tội.
Nêu những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, tại địa phương mình có một số đối tượng có quyết định THA phạt tù không đủ điều kiện để THA, tuy nhiên các đối tượng không tự giác thi hành án, liên tục đẻ con để trốn tránh THA nhưng hiện đang thiếu quy định để xử lý. “Trường hợp điển hình là đối tượng, Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1976) can tội môi giới mại dâm, án phạt 45 tháng tù từ năm 2013. Tuy nhiên, đối tượng đã được hoãn 2 lần THA vì lý do nuôi con nhỏ, khi con đủ 36 tháng tuổi thì bỏ trốn, đến khi trở về lại tiếp tục mang thai. Và hiện nay đối tượng lại tiếp tục có thai”, đại điện Công an huyện Thanh Trì cho hay.
Thừa nhận việc THA hình sự còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn: “Chúng ta nói đầy đủ nhưng thực tế thực thi thì vướng rất nhiều; hoặc là chồng chéo hoặc luật thì có từ mấy năm rồi nhưng văn bản hướng dẫn chờ mãi không thấy đâu..