Ly hôn, điều đó đồng nghĩa một trong hai người sẽ phải ra khỏi nhà. Nhưng không phải ai cũng có nơi để trú ngụ. Họ trông chờ vào số tiền người ở lại sẽ thanh toán cho mình nhưng điều đó với nhiều người là không dễ dàng..
Ly hôn, điều đó đồng nghĩa một trong hai người sẽ phải ra khỏi nhà. Nhưng không phải ai cũng có nơi để trú ngụ. Họ trông chờ vào số tiền người ở lại sẽ thanh toán cho mình nhưng điều đó với nhiều người là không dễ dàng..
|
Ra tòa ly hôn, nhưng rất nhiều cặp vợ chồng vẫn còn vướng víu về tài sản. Ảnh MH |
“Đứt” cả tình lẫn tiền
Hôn nhân của anh Hoàng, chị Linh (đều ở Phúc Thọ, Hà Nội) kéo dài được 7 năm với hai đứa con một trai, một gái. Một ngày, chị Linh phát hiện ra anh Hoàng có con riêng nên mâu thuẫn trở nên gay gắt.
Năm 2010, họ đưa nhau ra tòa ly hôn. Ngoài phần nuôi con, bản án sơ thẩm còn quyết định chia ngôi nhà 2 tầng gần 40m2 cho anh Hoàng, tài sản duy nhất mà anh chị tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Chị Linh phải ra khỏi nhà cùng bé gái hơn 3 tuổi; bù lại sau khi định giá tài sản, Tòa buộc anh Hoàng phải trả cho chị Linh hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng chị Linh chưa hề nhận được số tiền nói trên từ người chồng cũ. Cùng cảnh công chức nhà nước với mức lương “ba cọc ba đồng”, anh Hoàng dù muốn cũng không thể thanh toán cho chị Linh số tiền mà bản án đã tuyên. Còn chị Linh, ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, hai mẹ con phải đi thuê nhà với mức giá đắt đỏ nên càng thúc giục Cơ quan Thi hành án dân sự. Bất đắc dĩ, anh Hoàng phải bán ngôi nhà mình đang ở để trả nợ cho chị Linh, số tiền còn lại một ít anh gửi ngân hàng, còn một ít đem trả tiền thuê nhà cho thời hạn 1 năm.
Tương tự, bản án ly hôn năm 2006 của TAND tỉnh Bình Định xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa chị N.T.B và anh N.N.D (thôn Chánh Khoan Tây, xã Mỹ Lợi) tuyên chị B. được trực tiếp nuôi cháu Nguyễn T.V (SN 2005, con chung ).
Phần anh D. phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu mỗi tháng 200.000 đồng, đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, anh D. phải giao lại cho chị B. một số tài sản gồm: xe mô tô, dàn Karaoke, ti vi… với tổng giá trị 9,9 triệu đồng và có nghĩa vụ trả các khoản nợ chung của vợ chồng với số tiền 1,2 triệu đồng, 10 chỉ 5 phân vàng 24K. Tuy nhiên, anh D cố tình không trả lại tài sản mà chị B. được nhận và “quên” luôn khoản cấp dưỡng hàng tháng để nuôi con. Còn khoản nợ giữa hai người, anh D cũng nại lý do không có tiền để trả…
Dễ bị tẩu tán tài sản
Ngoài khó khăn trong việc cấp dưỡng nuôi con, các vụ án ly hôn còn khó trong việc phân chia và thi hành các phần về tài sản. Nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn chỉ có một chỗ ở duy nhất, nếu tòa chia tài sản đó cho vợ hoặc chồng đồng nghĩa với việc người kia phải thanh toán giá trị chênh lệch cho người ra đi. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ người ở lại không có tài sản gì khác ngoài ngôi nhà chung, nếu không chấp nhận bán đi để thanh toán theo án tuyên thì cũng không có điều kiện thi hành án.
Một thực tế khác là một số bản án ly hôn không thi hành được do sau khi án tuyên đương sự đã “nhanh chân” tẩu tán tài sản. Một số khác Tòa lại tuyên theo kiểu cào bằng, trong khi việc chia đôi làm giảm hoặc mất giá trị sử dụng, chia tài sản cho người không thực sự cần thiết về chỗ ở do đó gặp phải sự phản kháng của đương sự.
Khi Tòa tuyên một người được quyền sở hữu nhà đất, nhưng phải thanh toán bằng giá trị cho người kia, trong khi họ không có tài sản buộc cơ quan thi hành án phải tiến hành kê biên, bán đấu giá. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản lên - xuống thất thường, nên khi tiến hành bán toàn bộ tài sản nhiều khi không đủ tiền trả nợ cho người được thi hành án và các chi phí bán đấu giá. Thực tế này khiến các vụ án ly hôn càng trở nên khó thi hành.
Ngoài việc phân chia và định giá đúng tài sản ly hôn, vấn đề còn lại là các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, vận động thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành để tiết kiệm các chi phí cần thiết cho họ, khỏi áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án. (Khoản 1 Điều 95 Luật Thi hành án dân sự) |
Trung Nguyên