Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Ngày 04/9/2018 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thực hiện Kế hoạch, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương được kiểm tra đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên quán triệt, đôn đốc, kiểm tra, làm việc trực tiếp và trực tuyến chỉ đạo các cơ quan THADS tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thu được những kết quả tích cực song Bộ Tư pháp vẫn thẳng thắn nhìn nhận, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành án (vụ Vinashin; Vụ Huỳnh Thị Huyền Như); người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để thi hành án (vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như); số lượng tài sản kê biên lớn, đa dạng, thuộc nhiều chủng loại khác nhau; một số tài sản chưa có quy định thủ tục xử lý (tài sản là cổ phần, cổ phiếu); tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình xử lý (vụ Phạm Công Danh).
Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, dẫn đến việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, trong những năm gần đây các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ và một số vụ việc mới vẫn tiếp tục gặp một số khó khăn do tài sản bảo đảm không đúng với thực tế tài sản; thủ tục nhận thế chấp chưa bảo đảm; giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản...
Một số tổ chức tín dụng chưa tích cực trong việc cung cấp văn bản xác định nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, dẫn đến việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, Công ty mua bán nợ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh ngày càng phát sinh nhiều vụ việc có giá trị lớn, phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng (vụ Hứa Thị Phấn, vụ Phan Sào Nam), người phải thi hành án phần lớn là người có trình độ, kiến thức đã tìm cách che giấu, tẩu tán tài sản từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và trước đó dẫn đến công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn, Bộ Tư pháp xác định, bằng nhiều giải pháp sẽ tập trung thi hành, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND... giám sát chuyên đề công tác THADS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, nhất là đối với một số vụ việc gặp khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cần sự phối hợp liên ngành; tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và các hoạt động liên quan đến tín dụng, siết chặt quản lý đối với hoạt động này nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu không thể thi hành án được.