Thi hành pháp luật về cai nghiện ma tuý: Luật cần bám sát thực tế

(PLO) - Vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam vẫn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng có nhiều loại ma túy mới nhưng đến nay, việc cai nghiện ma túy lại chưa có đáp số cuối cùng, mục tiêu“cai nghiện” là thiếu thực tế. 
Cai nghiện ma túy tại cộng đồng. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Cai nghiện ma túy tại cộng đồng. (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Từ đó dẫn đến một số chính sách không phù hợp và công cụ được sử dụng để thực hiện chính sách không hiệu quả. Đây là hạn chế lớn nhất trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam thời gian qua.

Nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo đánh giá tại Hội thảo Đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma tuý theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý được Bộ LĐTB&XH tổ chức vừa qua, tính đến tháng 11/2017, nước ta có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và chất hướng thần.

Đặc biệt, tại một số địa phương từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện rất cao như Đồng Nai (87%), Đà Nẵng (85%), Trà Vinh (90,7%). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”,... cũng xuất hiện ngày càng nhiều. 

Giai đoạn 1994 -2014, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng hơn 3 lần, trung bình tăng hơn 6.400 người/năm, giai đoạn 2015 -2017 trung bình tăng hơn 9.000 người/năm. Tỷ lệ người nghiện ma túy bình quân cả nước năm 1995 là 0,086% thì đến năm 2017 kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, TP cho thấy: tỷ lệ người nghiện khoảng 0,38% dân số trong độ tuổi điều tra, trong đó tỷ lệ có hồ sơ quản lý khoảng 0,23% dân số trong độ tuổi điều tra; số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý bằng khoảng 65% số có hồ sơ quản lý. 

Người nghiện ở tất cả các địa phương có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 0,1% dưới 16 tuổi, 76% dưới 35 tuổi. Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tệ nạn nghiện ma túy phát triển theo các luồng di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động tự do đến các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và từ đó dịch chuyển trở lại nông thôn. 

Hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là hơn 41%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là hơn 28%. 

Báo cáo tại hội thảo, ông Lê Văn Khánh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết: “Trong khi tỷ lệ người nghiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc so với cả nước có xu hướng giảm rõ rệt (từ khoảng 60% cuối năm 1994, nay duy trì ở mức dưới 30%) thì tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ ngày càng tăng (từ 13,6% năm 1994 tăng lên trên 30% năm 2016). Thực tiễn cho thấy, nếu áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc cách ly với xã hội trong thời gian quá dài, quản lý thiếu thân thiện sẽ khiến người nghiện sử dụng càng lén lút, tăng nguy hiểm cho chính họ và cộng đồng”.

Cần thay đổi quan điểm, mục tiêu về cai nghiện ma túy

Chỉ số thống kê những năm qua cho thấy số người nghiện mới gia tăng và tỷ lệ tái sử dụng ma túy rất cao chứng tỏ hình phạt tù và cách ly xã hội dài hạn đối với người nghiện không đạt được mục đích răn đe và mục tiêu cai nghiện. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. 

Có thể coi nghiện ma túy như một bệnh nhưng không thể can thiệp bằng các phác đồ điều trị như những bệnh bình thường. Đến nay, việc cai nghiện ma túy chưa có đáp số cuối cùng, mục tiêu “cai nghiện” là thiếu thực tế. Từ mục tiêu thiếu thực tế, dẫn đến một số chính sách không phù hợp và công cụ được sử dụng để thực hiện chính sách không hiệu quả. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải tiếp cận vào bản chất của vấn đề “sử dụng trái phép chất ma túy” và “nghiện ma túy” với tất cả tính khách quan, khoa học và hệ quả của nó để xác định lại mục tiêu cho phù hợp và có một quan điểm đúng đắn định hướng các chính sách cho thực tiễn, hiệu quả.

Đánh giá công tác tổ chức thi hành, ban hành văn bản quy định pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, ông Lê Văn Khánh cho biết: “Chấm dứt việc sử dụng ma túy là mục tiêu lý tưởng nhưng việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy là rất khó, tỷ lệ thành công không cao. Những trường hợp bỏ ma túy lâu dài chủ yếu do các điều kiện xã hội tích cực, kiểm soát hành vi tốt. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các luật có liên quan chưa cụ thể, không rõ ràng. Nhiều quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa pháp luật về phòng chống ma túy và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện, cùng một nội dung nhưng mỗi địa phương thực hiện theo một cách khác nhau, nhiều quy định chưa phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền dẫn đến có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng…”.

Do đó, theo ông Khánh, cần đưa hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” và tình trạng “nghiện ma túy” ra khỏi nội hàm của khái niệm “tệ nạn xã hội”; đồng thời, bổ sung biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế về vấn đề quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Nhìn nhận những giải pháp phòng, chống ma tuý của Việt Nam thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao, TS. Alex Wodak - Chủ tịch Quỹ Cải cách chính sách ma túy Australia cho biết: “Việt Nam cần nhìn lại xem chính sách về ma túy Việt Nam đã áp dụng với người sử dụng ma túy trong vòng mấy chục năm vừa qua đã mang lại kết quả như thế nào hay để lại những hậu quả ra sao. Nếu nhìn vào những con số như vậy, chúng ta sẽ thấy những chính sách mà Việt Nam đã áp dụng trong những năm vừa qua đối với người sử dụng ma túy đã không thành công. Trước hết Việt Nam cần từ bỏ cách tiếp cận sử dụng ma túy là tệ nạn xã hội mà coi đó là vấn đề xã hội, y tế phức tạp và phải giải quyết nó từ góc độ ấy, có như vậy mới mong giải quyết được vấn đề này”

Đọc thêm