Tốp đầu: Tỷ lệ “chọi” không cao
Năm nay, TP Hà Nội có tổng số 85.873 học sinh đăng ký dự thi. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập trên toàn thành phố là 63.090 học sinh. Theo số liệu tổng hợp số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên tại các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020 do Sở GD-ĐT công bố, các trường có số lượng học sinh đăng ký vào đông và tỷ lệ tuyển chọn (nguyện vọng 1) cao là: THPT Chu Văn An (1/2,4); THPT Sơn Tây (1/2,3); THPT Trung Văn (1/2,2); THPT Yên Hòa (1/2,2); THPT Nhân Chính (1/2,1); THPT Kim Liên (1/2,0); THPT Nguyễn Văn Cừ (1/2,0); THPT Cầu Giấy (1/2,0); THPT Lê Quý Đôn - quận Hà Đông (1/1,9); Hai Bà Trưng - huyện Thạch Thất (1/1,9); THPT Trương Định (1/1,9); THPT Quang Trung - quận Hà Đông (1/1,8); THPT Kim Liên (1/1,8); THPT Việt Đức (1/1,7)...
Qua đánh giá mặt bằng chung, tỷ lệ tuyển chọn năm nay thấp hơn so với năm 2018 và không quá tập trung vào một số trường tốp đầu. Năm 2018, số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT là gần 95 nghìn em, tỷ lệ tuyển chọn vào các trường công lập cũng bị đẩy lên cao. Trường THPT Nhân Chính năm 2018 có tỷ lệ tuyển chọn là 1/3,05. Năm nay, chỉ tiêu không thay đổi, nhưng tỷ lệ tuyển chọn của trường này giảm xuống còn 1/2,1.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục- Sở GD - ĐT Hà Nội, năm nay, số lượng học sinh không đăng ký dự thi THPT, mà chọn xét tuyển vào các trường ngoài công lập và trường nghề, lên đến 15 nghìn em, cao hơn năm học năm 2018.
Nếu như các năm trước, điểm xét tuyển vào lớp 10 có điểm cộng thi nghề và điểm học tập, rèn luyện của bốn năm học THCS, học sinh chỉ cần xác định được điểm Toán, Văn là tính ra mức điểm có thể đạt được trong kỳ thi tuyển lớp 10. Tuy nhiên, năm nay ngoài điểm Toán và Văn, thì việc tính điểm tiếng Anh, Lịch sử, học sinh lần đầu dự thi sẽ rất khó ước lượng.
Đồng thời các chuyên gia cũng cho rằng, nếu chọn những trường có tỷ lệ tuyển chọn thấp, lại là trường có mặt bằng đầu vào không quá cao thì cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao. Bên cạnh việc tỷ lệ tuyển chọn các trường giảm hơn năm trước, nhiều hiệu trưởng trường THPT nhận định: Với số lượng thí sinh dự thi giảm, số môn thi tăng lên, nhiều khả năng điểm chuẩn năm nay sẽ giảm mạnh so với năm trước.
Tuy nhiên, thực tế, dù tỷ lệ “chọi” năm nay không cao ở những trường tốp đầu, nhưng điều đó không nói lên điều gì. Bởi khi xác định đăng kí vào các trường đó, học sinh phải xác định được năng lực học thực của mình. Và dù điểm chuẩn giảm thì chính là bởi điểm số thực, hoàn toàn “tay bo” của 4 môn thi, chứ không có thêm bất cứ điểm cộng thêm nào như những năm trước. Do đó, kì thi lớp 10 dù có thay đổi theo hình thức nào, thì vẫn luôn là 1 cuộc đua nóng bỏng để có 1 suất vào học trường công…
phụ huynh, thí sinh cần lưu ý
Thời điểm này ngoài việc tập trung ôn tập, thí sinh cần tìm hiểu để nắm rõ các quy định của Quy chế thi vào lớp 10 THPT để tránh mắc sai phạm. Ông Phạm Quốc nhấn mạnh: “Điều cần lưu ý đầu tiên đối với các thí sinh là phải tham dự đủ 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Sở GD-ĐT chỉ xét tuyển những thí sinh có đủ 4 bài thi, không có bài thi nào bị điểm 0 và không vi phạm quy chế thi đến mức bị hủy kết quả bài thi. Bài thi sẽ quyết định toàn bộ kết quả của thí sinh thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như năm học trước”.
Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu đem một trong các vật dụng trái phép sau đây vào phòng thi: Vũ khí, chất gây nổ, chất gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.