Thị phần du lịch trực tuyến đang nằm trọn tay doanh nghiệp ngoại

(PLO) - Du lịch trực tuyến Việt Nam mỗi năm tăng trưởng hàng trăm triệu USD. Song giá trị của thị phần này lại khoảng 80% nằm ở các trang hoặc của các doanh nghiệp nước ngoài.
Các dịch vụ du lịch trực tuyến của các công ty nước ngoài hiện đang khai thác tốt thị trường Việt Nam (Ảnh minh họa)
Các dịch vụ du lịch trực tuyến của các công ty nước ngoài hiện đang khai thác tốt thị trường Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp (DN) du lịch, 100% các DN du lịch đã quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ nửa vời, tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng.

Vì thế, 80% doanh thu du lịch trực tuyến hiện vẫn là các trang mạng nước ngoài như Agoda, booking.com hay Traveloka nắm giữ. Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sở dĩ du lịch trực tuyến còn chậm phát triển vì hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Đồng thời, chưa có chính sách khuyến khích du lịch trực tuyến phát triển.

Đại diện một số DN du lịch Việt cho hay, việc đầu tư cho trực tuyến tại Việt Nam thời gian qua còn chậm là do chính các DN chưa chú trọng. Tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng và cần thay đổi.

Kết quả thu được khá khả quan khi 10 tháng năm 2017, doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 129 tỷ đồng. Song ông Tài cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng so với kinh doanh truyền thống thì hiệu quả doanh thu trực tuyến vẫn còn rất nhỏ (129/4.250 tỷ đồng). Nguyên nhân được chỉ ra là dù tỷ lệ sử dụng mạng internet cũng như điện thoại thông minh rất lớn nhưng do tập quán, thói quen, phần khác do trình độ khai thác ứng dụng phần mềm du lịch chưa đồng đều dẫn tới sự phát triển chưa được như kỳ vọng.

Theo đó, các chuyên gia du lịch cho rằng, bên cạnh việc đầu tư vào marketing online, việc kết nối thanh toán trực tuyến giữa các bên cũng là điều mà các công ty du lịch cần tập trung. Bởi hiện nay, việc khách hàng muốn tự đặt phòng, tự mình lên tour, tự đặt vé sẽ ngày càng là xu hướng trong tương lai, bởi 88% khách du lịch tại Việt Nam hiện đã và đang tra cứu thông tin qua mạng.

Ông Lê Tuấn Anh - Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện trong nước có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Song sàn giao dịch điện tử trong nước chỉ mới thực hiện khoảng 20% giao dịch các dịch vụ, còn lại là các sàn giao dịch nước ngoài thực hiện. 

Điều này cho thấy để du lịch thực sự bứt phá với CNTT trước hết cần có sự dấn thân, chủ động hơn nữa của chính các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói trước khi chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài. 

Đọc thêm