2 thủ khoa toàn quốc trượt nguyện vọng 1
Ở kỳ xét tuyển đại học năm nay, trường hợp hi hữu xảy ra đó là 2 thủ khoa khối A toàn quốc trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cụ thể, trong số 3 thủ khoa toàn quốc tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hoá) năm nay, 2 thí sinh Nguyễn Mạnh Thắng (THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (THPT Trưng Vương, Hưng Yên) cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, theo điểm chuẩn được Đại học Bách khoa Hà Nội công bố, cả 2 thí sinh này đều trượt nguyện vọng 1 ngành IT1 - ngành có điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cao nhất - 29.42 điểm.
Sở dĩ 2 thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 bởi năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có công thức tính điểm riêng. Tuy nhiên, tình huống hi hữu này đã khiến 2 thí sinh bất ngờ đến "buồn cười". Hiện tượng này cũng khiến dư luận xôn xao.
Lý giải nguyên nhân hai thủ khoa khối A toàn quốc với 29.35 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 - ngành Khoa học máy tính, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội xét điểm chuẩn theo cách nhân đôi điểm môn chính là môn Toán. Cách tính điểm như sau: Điểm xét tuyển = (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên.
Với cách tính trên, hai thủ khoa khối A00 toàn quốc tuy có tổng điểm cao nhưng điểm Toán đạt 9,6 điểm, nên những thí sinh có điểm Toán cao hơn sẽ có lợi thế.
"Năm 2022, IT1 không xét từ điểm THPT, mà chủ yếu xét từ kỳ thi Đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng (Giải Học sinh giỏi Quốc tế hoặc Quốc gia, chuyên...). Năm nay, nhà trường mở lại phương thức xét tuyển điểm thi THPT để hỗ trợ thí sinh tuy nhiên chỉ tiêu không nhiều, chủ yếu cho hai phương thức xét tuyển riêng nên chỉ những thí sinh xuất mới được lựa chọn", vị đại diện này cho biết.
Nhiều thí sinh 'sốc' vì điểm cao vẫn trượt
Không chỉ riêng 2 thí sinh kể trên, rất nhiều thí sinh khác trong kỳ thi năm nay dù có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao song vẫn trượt nguyện vọng mà mình mong muốn.
Đạt 26.5 điểm, thí sinh N.X.V (quê Ninh Bình) tự tin đặt nguyện vọng 1 vào ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm ngoái điểm chuẩn ngành này là 26.15 điểm. Tuy nhiên năm nay, điểm chuẩn ngành Giáo dục Tiểu học tăng lên 26.62 điểm, do đó V thiếu 0.12 điểm nữa mới có thể đỗ nguyện vọng 1.
"Do điểm thi cao hơn so với điểm chuẩn năm ngoái nên em đã đặt hết hi vọng vào nguyện vọng 1 nhưng cuối cùng lại không thể đỗ. Em rất buồn và thất vọng với kết quả này. Nguyện vọng 2 dù đủ điểm đỗ nhưng đây không phải là ngành mà em muốn theo học", N.X.V chán nản bày tỏ.
Chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội, một thí sinh xét tuyển vào Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự buồn bã sau khi biết điểm chuẩn. Năm nay, ngành Luật của nhà trường lấy điểm chuẩn 27.5 đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử Địa), tuy nhiên thí sinh này chỉ đạt 27.43 điểm, thiếu 0.07 điểm mới có thể đỗ nguyện vọng này.
"Buồn và thất vọng rất nhiều, mình đã khóc hơn 2 tiếng sau khi biết điểm. Không còn lời nào để diễn tả được cảm xúc. Mình thấy có lỗi với bố mẹ rất nhiều dù gia đình không quá khắt khe trong vấn đề này. Bỏ rất nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả không được như mong muốn. Cảm giác tội lỗi, bất lực và tuyệt vọng vây quanh...", bài viết của thí sinh này chia sẻ.
Một thí sinh khác đạt 34.76 điểm theo thang 40 đặt nguyện vọng 5 vào ngành Báo chí Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, sau khi trường này công bố điểm chuẩn thì điểm dao động từ 35.23 đến 37.23. Như vậy, thí sinh này dù "hi vọng rất nhiều, lo lắng đến mất ngủ nhưng cũng đành ngậm ngùi chia tay Học viện vì không đủ điểm đỗ".
Sau khi biết điểm chuẩn, từ ngày 24/8 đến 8/9, thí sinh trúng tuyển của tất cả trường phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nhà trường sẽ coi như thí sinh từ chối nhập học và loại khỏi danh sách trúng tuyển.
Sau khi xác nhận nhập học, thí sinh cần lưu ý các thông báo của trường về thời gian nhập học cũng như các giấy tờ cần phải nộp khi nhập học.