Thi THPT Quốc gia đến khi nào?

(PLO) - GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp THPT thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với dự kiến tháng 4/2018 sẽ ban hành chương trình môn học phổ thông mới, công tác biên soạn SGK cũng như thời điểm triển khai chương trình này được xác định khá cụ thể. 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên, thì chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) bao gồm chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục (gọi tắt là chương trình môn học). Vấn đề giảm tải trong chương trình mới được dư luận hết sức quan tâm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, có nhiều cách giảm tải như giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học…

Một ví dụ về tổ chức lại nội dung, điển hình như môn Lịch sử. Chương trình Lịch sử của cả ba cấp khác với chương trình trước đây ở chỗ hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Trong đó, tiểu học chủ yếu dạy lịch sử thông qua các câu chuyện lịch sử; THCS dạy thông sử; THPT có hệ thống các chủ đề và chuyên đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Và một cách tổ chức lại nội dung nữa là tích hợp. Ví dụ, thay vì học 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nay có môn học mới là Khoa học tự nhiên. Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học – Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung sẽ là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.Trước ý kiến cho rằng vấn đề quá tải không phải do chương trình mà do sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định nguyên nhân do cả chương trình, sách giáo khoa và cách dạy. 

Trả lời câu hỏi về việc thời điểm nào sẽ có chương trình phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay theo tiến độ, đến tháng 4/2018 có thể ban hành chương trình môn học. Tuy nhiên, thời điểm nào có SGK mới thì GS Thuyết chưa thể khẳng định. Theo GS Thuyết, do chưa có chương trình môn học nên chưa khởi động việc viết SGK. Ông khẳng định nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết SGK. Đây chỉ là tài liệu chính thức, không phải là pháp lệnh như quan niệm trước đây và giáo viên có thể dựa vào đó để có nhiều sáng tạo trong dạy học.

Trước những băn khoăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, vốn là những yếu tố quyết định cho việc thành bại của chương trình phổ thông mới, GS Thuyết cho hay ngay từ khi xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT đã quan tâm đến việc kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên về số lượng ở từng môn học, cấp học, rà soát xem các giáo viên này còn cần gì để bồi dưỡng. 

Tổng chủ biên chương trình cũng chia sẻ thêm với những môn học mới, tích hợp nhiều môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử Địa lý ở THCS, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học thêm một số tín chỉ để có thể một mình dạy một môn. Còn 3 năm nữa để triển khai chương trình THCS nên còn thời gian để thực hiện việc này, GS Thuyết nhận định.

Đồng thời, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp THPT thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới. Qua đấu thầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giao Trung tâm Đo lường và Kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghiên cứu đề tài này và sớm trả lời cho bộ về phương án đổi mới kiểm tra đánh giá trong thời gian tới. 

Đọc thêm