Thị thực Mỹ và sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống D.Trump

(PLO) - Ngày 1/2, Nhà Trắng cho biết đã cập nhật văn bản hướng dẫn về áp dụng sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các đối tượng giữ thẻ xanh - những thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ. 
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer xác nhận, những người mang thẻ xanh không cần thị thực để vào Mỹ. Để đảm bảo công tác triển khai thuận lợi, Nhà Trắng đã gửi tới tất cả các cơ quan liên quan thông báo cập nhật trong ngày 1/2. 

Xin thị thực

Quy định đối với người mang thẻ xanh là một trong những nội dung gây tranh cãi nhất trong sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Donald Trump ký ban hành ngày 27/1 vừa qua. Thông tin ban đầu từ phía chính quyền cho biết các đối tượng này cũng thuộc diện bị cấm vào Mỹ, song họ có thể làm thủ tục xin thị thực. Sau khi vấp phải phản đối gay gắt, ngày 29/1, Bộ Nội vụ Mỹ đã đưa ra thông tin khác cho biết những người giữ thẻ xanh có thể lên máy bay tới Mỹ, nhưng sẽ phải trải qua kiểm tra khi đặt chân vào lãnh thổ nước này. 

Liên quan tới sắc lệnh gây tranh cãi nhiều ngày qua, cùng ngày, Thẩm phán Andre Birotte của tòa án quận tại bang California đã ra lệnh cho phép công dân Yemen có thị thực vẫn còn hiệu lực tới thành phố Los Angeles. Phán quyết trên được đưa ra sau đơn kiến nghị khẩn cấp của Julie Goldberg và Daniel Covarrubias-Klein, 2 luật sư về người di cư đại diện cho 28 nguyên đơn.

Bà Goldberg cho biết các thân chủ của bà, trong đó bao gồm nhiều người Yemen bị thương và trẻ em, đang bị mắc kẹt tại Djibouti và không thể trở về Mỹ. Trong khi đó, theo ông Klein, mặc dù nhiều thẩm phán liên bang đã ra phán quyết phản đối, các quan chức di cư vẫn cố tình “lờ đi” những lệnh này. Hai luật sư cho biết họ hy vọng đưa vấn đề này lên tới Tòa án Tối cao. 

Trước đó, thẩm phán tại một số bang của Mỹ bao gồm New York, Virginia và Washington cũng đã ra phán quyết tương tự đối với sắc lệnh người di cư. 

Trong khi đó, các bác sỹ tại 7 bệnh viện hàng đầu của Mỹ, bao gồm Bệnh viện Đại học Johns Hopkins, Trung tâm Sức khỏe Đại học Michigan, Bệnh viện Phụ nữ và Brigham, Bệnh viện Trường Dược Perelman của Đại học Pennsylvania, Bệnh viện Đại học California-San Francisco, Bệnh viện Trung ương Massachusetts và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, đã cùng ký tên vào một bức thư phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump.

Theo bức thư này, sắc lệnh cấm người Hồi giáo tới Mỹ là “một bước lùi” khi ngăn cản những cá nhân có tài không được tới Mỹ, cũng như cản trở các nhân viên y tế của Mỹ tới các quốc gia khác. Điều này ảnh hưởng tới công tác chăm sóc bệnh nhân, hoạt động của các nhân viên y tế cũng như đe dọa tới vị thế dẫn đầu của Mỹ trên phương diện chăm sóc y tế. 

“Không phải lệnh cấm”

Trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump không cho người tị nạn cũng như người dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số được tới Mỹ không phải là “một lệnh cấm nhập cảnh”. 

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Spicer đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông coi chính sách đang gây tranh cãi này là “một lệnh cấm”. Ông khẳng định sắc lệnh của Tổng thống Trump “không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo mà chỉ là một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho nước Mỹ được an toàn”. 

Tuần trước, tân Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh gây tranh cãi, theo đó người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày. Sắc lệnh cũng đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria. Trước đó, Tổng thống Trump khẳng định rằng sắc lệnh mà ông vừa ký không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ hướng tới mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ. Ông cũng tái khẳng định rằng hơn 40 quốc gia Hồi giáo trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh nói trên. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Tổng thống Trump bãi bỏ càng sớm càng tốt sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Người đứng đầu LHQ khẳng định các quốc gia có quyền ngăn chặn sự thâm nhập của các tổ chức khủng bố, nhưng không được dựa trên sự phân biệt đối xử liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch của một cá nhân. Ông cảnh báo rằng “những biện pháp mù quáng, không dựa trên các thông tin tình báo có căn cứ, thường không phát huy hiệu quả vì các hoạt động khủng bố toàn cầu vốn rất tinh vi hoàn toàn có thể vô hiệu hóa những biện pháp này”. 

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh rằng những hành động phân biệt đối xử đi ngược lại “những nguyên tắc và giá trị cơ bản” đồng thời “khiến đông đảo dư luận sợ hãi và phẫn nộ”, và dẫn đến tác động ngược là “tiếp tay” cho hoạt động tuyên truyền của các phân tử cực đoan. Ông bày tỏ quan ngại rằng sẽ ngày càng có nhiều biên giới đóng lại đối với những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và tình trạng bị đàn áp, đồng thời khẳng định điều này là vi phạm luật quốc tế về bảo vệ người tị nạn.

Nhân viên Ngoại giao Mỹ phản đối

Trong khi đó, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết khoảng 900 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào một bản ghi nhớ nội bộ để phản đối sắc lệnh hành chính được Tổng thống Donald Trump ký, theo đó áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người nhập cư tới từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số. Đây được coi là một hành động “nổi loạn” chống lại các chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ. 

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận bản ghi nhớ nói trên đã được trình lên quyền Ngoại trưởng Tom Shannon thông qua “các kênh nội bộ” của cơ quan này, một hình thức mà trong đó nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ có thể bày tỏ sự không hài lòng đối với các chính sách. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, ông có biết bản ghi nhớ nêu trên, song cảnh báo các nhà ngoại giao rằng họ “hoặc chấp hành chương trình này hoặc họ có thể nghỉ việc”. 

Bên cạnh đó, sự ra đi của ít nhất 4 quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ những ngày gần đây, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách quản lý Patrick Kennedy đã gây tâm lý lo lắng trong các nhà ngoại giao Mỹ về một khoảng trống quyền lực. 

Cùng ngày, chính quyền bang New York đã tham gia vụ kiện sắc lệnh hành pháp nói trên của Tổng thống Donald Trump. Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman đã chỉ trích sắc lệnh này là “vi hiến và trái pháp luật”. Cụ thể, New York sẽ tham gia đơn kiện do Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng. Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa án Tối cao có thể tuyên bố là “vi hiến” một luật do Quốc hội thông qua, và được tổng thống ban hành...