Vừa qua, tại Hà Nội, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông (THPT) đã thảo luận về Quy chế thi THPT quốc gia. Một trong những thắc mắc nhiều nhất là quyền lợi của thí sinh khi dự thi cả 2 bài thi tổ hợp nhưng lại có một trong số 6 môn của 2 bài này rơi vào điểm “liệt” thì thí sinh có bị coi là trượt tốt nghiệp hay không?. Bên cạnh đó là băn khoăn việc đảm bảo an toàn khi thí sinh tự do có thể chỉ thi 1 trong 3 môn thi thuộc bài thi tổ hợp vì được bảo lưu điểm từ năm trước…
Không chọn trường không yêu thích
Theo quy chế, trong kì thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên - KHTN (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội - KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Để xét tuyển ĐH, CĐ thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức cho học sinh (HS) ôn tập, các trường đặc biệt quan tâm nhắc nhở HS cân nhắc lựa chọn bài thi. Bởi nếu HS chọn làm cả 2 bài thi tổ hợp sẽ là rất nặng trong khâu ôn tập. Bài thi KHTN đòi hỏi HS phải nắm vững kiến thức ở cả lớp 10, 11 vì có nhiều nội dung liên quan. Nếu chọn tổ hợp KHXH thì chỉ cần nắm vững kiến thức lớp 12.
Việc lựa chọn làm bài thi KHXH có phần bớt vất vả trong khâu ôn tập, nhưng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ ít hơn do có ít trường sử dụng môn thành phần của bài thi KHXH để xét tuyển hơn so với các môn thành phần của bài thi KHTN. Do vậy, HS cần cân nhắc thật kỹ nguyện vọng của mình để triển khai ôn tập sao cho tập trung, hiệu quả, không nên ôm đồm, dàn trải.
“Khi các em thuộc quy chế, nắm vững kiến thức thì chắc chắn đỗ ĐH, CĐ, trừ khi bị điểm liệt hoặc đăng ký nguyện vọng (NV) ở tốp trường quá cao so với khả năng” - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh. Quy chế năm nay cho phép HS được đăng ký không giới hạn số NV xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng các NV được xếp thứ tự ưu tiên. Phần mềm xét tuyển khi tính điểm, nếu xét NV1 đỗ rồi sẽ không xét nữa, không đỗ mới chuyển sang xét NV2; nếu ngành, trường nào có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu, thì sẽ xét thêm tiêu chí phụ, trong đó có tính đến mức độ ưu tiên NV.
Thầy cô phải giải thích cho thí sinh, phần mềm sẽ rà theo thứ tự các nguyện vọng, xét bình đẳng điểm giữa các thí sinh không cùng thứ tự nguyện vọng. Để đảm bảo an toàn, thí sinh chọn nguyện vọng mình thực sự thích và một nguyện vọng chắc chân. Nếu như vậy sẽ không bao giờ trượt, theo ông Nghĩa.
Vì vậy, HS cần ghi nhớ, khi đăng ký phải đặt ngành, trường thích nhất, có khả năng học nhất cần ưu tiên là NV1; không chọn những ngành, trường mà mình không thích học; chọn đăng ký một ngành, trường chắc chắn nhất. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh những năm trước trượt ĐH không phải vì điểm thấp, mà ngược lại, điểm rất cao, song do chọn NV không chuẩn. Bên cạnh đó, ông Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý những lỗi có thể khiến thí sinh bị trượt oan như đem điện thoại vào phòng thi, dùng nhiều loại mực thi trong một bài thi, nhầm lẫn khi dùng bút chì và bút bi...
Làm sao để tránh… “ăn gian”?
Trả lời băn khoăn của nhiều hiệu trưởng về trường hợp nếu học sinh vẫn lựa chọn 2 bài thi tổ hợp nhưng lại bị điểm “liệt” ở một trong các môn dự thi thì có bị trượt tốt nghiệp hay không, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, trong trường hợp thí sinh dự thi cả 2 bài thi tổ hợp và có một điểm “liệt” thì theo quy tắc được lấy điểm bài thi cao nhất để xét tốt nghiệp, phần mềm của Bộ GD-ĐT sẽ tự lọc ra bài có điểm cao nhất để tính điểm xét tốt nghiệp cho thí sinh.
Bên cạnh đó, thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ cần lưu ý quyền lợi của mình khi tham gia xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi 10 điểm trong xét tốt nghiệp thì nên đăng ký miễn thi. Tuy nhiên, để xét tuyển ĐH, thí sinh vẫn phải đăng ký dự thi môn này. Như vậy, thí sinh cần đăng ký cả miễn thi lẫn dự thi để được hưởng đầy đủ quyền lợi.
Bày tỏ sự băn khoăn của mình, giáo viên Trường THPT Sơn Tây cho biết: “Học sinh của trường tôi học rất nhiều thứ tiếng: Nga, Pháp, Trung, Nhật… Vậy các em có thể chọn thứ tiếng mà các em không được học trong nhà để đăng ký thi hoặc để xét được miễn thi môn ngoại ngữ không?”; “Trường tôi có một lớp học tiếng Pháp hệ 3 năm. Theo quy chế cũ, các em được đăng ký thi một môn thay thế môn Ngoại ngữ, năm nay các em có được như vậy nữa không?”.
Xung quanh quy định để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, thí sinh là HS phổ thông bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp chứ không được quyền dự thi từng môn lẻ cũng gây nhiều tranh cãi (chỉ những thí sinh đã tốt nghiệp – thí sinh tự do mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp). Bởi lẽ, trong bài thi tổ hợp thì 3 môn vẫn hoàn toàn tách biệt mà bắt các em chỉ vì lấy điểm một môn mà phải thi 3 môn thì gây căng thẳng cho HS.
Hơn nữa, trong bài tổng hợp nếu 1 trong 3 môn bị điểm liệt thì sẽ thiệt thòi cho HS. Tuy nhiên, khâu tổ chức thi cho các thí sinh này sẽ gây không ít khó khăn cho các hội đồng thi trước yêu cầu đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đồng thời đảm bảo an toàn, không lộ, lọt đề thi.
Ngoài ra, thí sinh tự do và thí sinh giáo dục thường xuyên không được xếp chung với thí sinh lớp 12 là những đối tượng phải làm đầy đủ môn thi thành phần trong bài tổ hợp. Ông Trần Văn Nghĩa cũng đặc biệt lưu ý thí sinh về việc phát hiện, rà soát sai sót trong in ấn đề thi, mã đề thi. “Điểm mới trong kỳ thi này là sau khi phát đề thi, thí sinh có 10 phút để rà soát đề, xem đề thi có đủ số trang không, có rách, mờ không.
Thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi nếu thấy sai sót trong vòng 10 phút. Mã đề thi của thí sinh ở cả 3 môn đều thống nhất, thí sinh phải kiểm tra ngay có đúng mã đề thi của mình không vì máy tính sẽ chỉ chấm đúng một mã đề thi của thí sinh ở cả 3 môn. Sau thời gian rà soát, thí sinh sẽ không được giải quyết nếu có sai sót về đề thi” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại diện Trường chuyên Nguyễn Huệ băn khoăn, trong lúc chờ 10 phút với bài thi tổ hợp, liệu có xảy ra mất trật tự, lộn xộn hay không?. Khi mà với bài thi trắc nghiệm, trong 10 phút đó thí sinh có thể nhìn bài và sửa bài cực nhanh.
Không những thế, cũng theo các hiệu trưởng, việc quản lý các tờ giấy nháp trong bài thi tổ hợp là cực khó. Chẳng hạn, hết môn thi Lý, nếu các em vẫn còn giấy nháp, trong thi bài tổ hợp thí sinh vẫn làm bài thi nháp trên tờ lý, hoá cho bài thi môn Sinh thì thí sinh có vi phạm quy chế hay không? Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên phân loại màu giấy nháp trong bài thi tổ hợp, đơn cử vàng, trắng, xanh tương ứng với từng môn thi cho khỏi lẫn khi chuyển giao giữa các môn thi trong bài thi tổ hợp.
Thời gian thí sinh đăng kí dự thi THPT quốc gia năm nay sẽ bắt đầu từ 1/4 và sẽ kết thúc vào ngày 20/4 chứ không phải là 30/4 như năm 2016. Bên cạnh đó, theo quy chế tuyển sinh 2017, năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ cùng lúc với đăng ký dự thi.