Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ: “Miền đất hứa” cho các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) năm 2024, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là năm bản lề trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường BĐS Việt Nam. Trong đó, với những lợi thế cùng những tiềm năng vốn có, thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ được đánh giá là điểm sáng về biên độ lợi nhuận trong năm 2024, sẽ là “miền đất hứa” chờ các “đại bàng” về làm tổ.
Công trình trọng điểm Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh/thành trong và ngoài khu vực Tây Nam Bộ, mở ra cơ hội cho thị trường BĐS Tây Nam Bộ phát triển.
Công trình trọng điểm Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh/thành trong và ngoài khu vực Tây Nam Bộ, mở ra cơ hội cho thị trường BĐS Tây Nam Bộ phát triển.

Bước qua khó khăn để đón chào cơ hội mới

Theo báo cáo của Hiệp Hội BĐS TP Cần Thơ cho thấy, tín hiệu khó khăn của thị trường BĐS trên cả nước bắt đầu bùng mạnh và lan rộng vào thời điểm cuối năm 2022. Đỉnh điểm là bước sang năm 2023, khó khăn bao trùm toàn thị trường BĐS, mà điểm nhấn đầy chú ý là nhiều doanh nghiệp địa ốc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc giải thể. Tuy nhiên, cuối năm 2023, “sóng gió” của thị trường BĐS trong cả nước nói chung, khu vực Tây Nam Bộ nói riêng đang dần khép lại và xuất hiện nhiều điểm sáng. Minh chứng là trong 6 tháng cuối năm 2023, tổng lượng giao dịch BĐS tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023; riêng tại TP Cần Thơ, trong quý 4/2023, lượng giao dịch BĐS tăng 8% so với quý 3/2023.

Ông Dương Quốc Thủy - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ cho biết: Việc thị trường BĐS dần hồi phục vào cuối năm 2023, là do dòng vốn cho lĩnh vực này đã được khơi thông sau khoảng thời gian bị siết chặt, cũng như các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó là hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, khu công nghiệp quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng. Đặc biệt, việc các tỉnh/thành ở Tây Nam Bộ được phê duyệt Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, vì vừa là khung pháp lý cho việc quản lý và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vừa là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển của vùng trong thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đây được xem là những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thị trường BĐS trong năm 2024.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Tây Nam Bộ được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo sự liên kết vùng chặt chẽ, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh/thành trong và ngoài khu vực, là tiền đề thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, khu vực Tây Nam Bộ còn khá nhiều dư địa phát triển về quỹ đất và giá trị BĐS, cùng với các chủ trương đầu tư của Chính phủ mà đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công, qua đó sẽ kích hoạt và làm bật lên những lợi thế, tiềm năng của thị trường BĐS Tây Nam Bộ đang còn ẩn mình trong giai đoạn tới.

Sửa luật, cơ hội phát triển bền vững

Trong gần 2 năm vừa qua, thị trường BĐS chững lại do một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Đây có lẽ là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển bền vững của các dự án BĐS, cũng như quy trình vận hành của các doanh nghiệp BĐS.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, đến thời điểm hiện tại, việc sửa đổi 03 đạo luật lớn (gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo nhiều cơ hội cho thị trường BĐS trong nước nói chung, khu vực Tây Nam Bộ nói riêng phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.

Tương tự, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, 03 đạo luật liên quan đến BĐS (gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) đã được các cơ quan nhà nước soạn thảo, phê duyệt rất cẩn trọng và tích cực. Theo đó, hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ sẽ tác động rất tích cực vào những vấn đề đang bị vướng mắc, cũng như khơi thông các rào cản đối với thị trường BĐS, qua đó tạo ra “sân chơi” công bằng cho những doanh nghiệp và các nhà đầu tư có năng lực thực sự, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Dự án căn hộ cao cấp CARA RIVER PARK tại TP Cần Thơ được nhiều chuyên gia BĐS đánh giá, sẽ là “làn gió mới” của thị trường BĐS Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

Dự án căn hộ cao cấp CARA RIVER PARK tại TP Cần Thơ được nhiều chuyên gia BĐS đánh giá, sẽ là “làn gió mới” của thị trường BĐS Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

Chia sẻ về quy định siết chặt hoạt động phân lô bán nền trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), ông Dương Quốc Thủy - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ cho biết, quy định này sẽ làm thay đổi “cuộc chơi” của cả thị trường BĐS, nhất là phân khúc đất nền ở 105 TP, thị xã trên cả nước. Bởi, trước nay, người kinh doanh đất nền vẫn chuộng hình thức mua bán tự do vì không cần lập dự án chính quy, còn người mua cũng thích đất nền tự tách thửa vì giá cả đa dạng, dễ mua dễ bán.

Tuy nhiên, việc Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) siết chặt hoạt động phân lô bán nền sẽ giúp thị trường này phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất, lãng phí tài sản đất đã diễn ra nhiều năm qua. Đồng thời, đây cũng là giải pháp có tính bền vững để đưa các đô thị Việt Nam trở nên trật tự, đẹp hơn, có giá trị về quy hoạch, kiến trúc, thẩm mỹ và bảo đảm tốt hơn các vấn đề về an sinh xã hội trong lâu dài.

Có thể thấy, thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ hiện đang bước vào vận hội mới, với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Khi khu vực này đang nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn vốn từ Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kèm theo đó, việc sửa đổi 03 đạo luật liên quan đến BĐS sẽ giúp cho thị trường BĐS Tây Nam Bộ có thêm nhiều cơ hội để “cất cánh” trong năm 2024, đồng thời trở thành “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đọc thêm