Giao dịch nhà đất giảm sâu
Theo khảo sát từ các kênh mua bán nhà đất tại TP HCM, nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm gần 20% so với thời điểm cùng kỳ 2019. Nhiều sàn giao dịch BĐS xác nhận số lượng giao dịch nhà đất giảm thấy rõ. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2019 đến nay. Cho đến khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 thì thị trường có vẻ càng “ngấm đòn” hơn nữa.
Trước đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2019 cả nước chỉ đạt khoảng 83.136 giao dịch các loại BĐS, giảm 26,1% so với năm 2018.
Tuy giao dịch nhà đất giảm nhưng tại TP HCM lại xuất hiện nghịch lý là giá nhà đất vẫn tăng và neo ở mức cao.
Chị Võ Thị Thảo (SN 1993, ngụ quận 7) cho biết, gia đình chị có nhu cầu mua chung cư để ở và bắt đầu tìm nhà từ tháng 10/2019. Thời điểm đó giá khoảng 1,7 tỉ cho căn hộ hai phòng ngủ, đầy đủ nội thất tại một dự án ở Nhà Bè. Do nguồn tiền về không đúng như dự tính nên gia đình chị hoãn thời gian tìm mua nhà. Đến thời điểm hiện tại, chị Thảo tìm lại dự án kể trên thì giật mình vì giá căn hộ đó mặc dù chưa có giao dịch nhưng đã tăng thêm khoảng gần 300 triệu.
Cũng theo chị Thảo, một số dự án tại quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè mà chị theo dõi để mua thì giá căn hộ cũng leo thang chóng mặt. Ba tuần đến một tháng vào thăm dò bảng giá căn hộ đã tăng từ 50 đến 70 triệu. “Nếu cứ đà này thì gia đình tôi không biết đến bao giờ mới đủ tiền mua được nhà”, chị Thảo chia sẻ.
Theo một báo cáo của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), giá nhà tăng cao, trong đó, phân khúc căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018.
Ở khu Nam TP HCM, những dự án có tiến độ xây dựng đảm bảo và pháp lý đầy đủ có mức tăng giá từ 15-30%, thậm chí có những dự án đã tăng giá tới 40%. Ở khu Đông, giá các dự án căn hộ cũng tăng trên dưới 20%. Trong khi đó, phân khúc nhà liền thổ tại các dự án ở quận 2, quận 9 với diện tích từ 50-60m2 cũng tăng giá từ 300-500 triệu đồng/nền so với thời điểm cuối năm 2019 sau khi đã bước vào giai đoạn hoàn thiện dự án.
Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người ở đô thị có thu nhập không cao, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp, khó tạo lập được nhà ở; giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.
Vì nguồn hàng cạn kiệt?
HoREA cho rằng, nguyên nhân tăng giá nhìn chung là do qui mô thị trường, nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở; đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại có mức giá vừa túi tiền của đa số người dân đều giảm mạnh.
Thực tế cho thấy, trong quý 1/2020, tại thị trường TP HCM, đa phần các doanh nghiệp (DN) đều không có sản phẩm được mở bán. Một số DN nhỏ bán đất nền vùng ven do nguồn hàng cạn kiệt nên thậm chí chưa có kế hoạch cụ thể cho năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường khó khăn không chỉ do quỹ đất tại trung tâm TP cạn kiệt, quá trình rà soát pháp lý các dự án kéo dài từ cuối năm 2018, mà còn bởi dịch bệnh Covid-19. Việc hạn chế tụ tập nơi đông người khiến hoạt động mở bán không thể thực hiện. Bên cạnh đó, người mua đặt việc phòng chống dịch lên ưu tiên hàng đầu nên tạm thời trì hoãn nhu cầu về nhà đất, căn hộ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định: “Trong 6 tháng đầu năm 2020, các DN BĐS có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, từ quý III/2020 trở đi, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây”. Nhưng kể cả thị trường có tươi sáng hơn, phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn được dự đoán là sẽ thiếu.
Rộng đường phát triển BĐS KCN tại miền Tây
Có vị trí địa hình chiến lược, nhiều tiềm năng nhưng một thời gian dài, Hậu Giang đã bị các nhà đầu tư “bỏ quên”. Gần đây, địa phương này lại nổi lên và trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư BĐS.
Năm 2019 được xem là một dấu mốc đánh dấu khởi đầu tốt đẹp khi có nhiều dự án BĐS lớn xuất hiện làm thị trường Hậu Giang trở nên sôi động và nhộn nhịp giữa lúc nhiều nơi đang trầm lắng. Tập đoàn DIC khởi công dự án DIC Victory City Hậu Giang, Tập đoàn Vingroup đầu tư trung tâm thương mại Vincom, Dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl, khu dân cư thương mại dịch vụ Mái Dầm…
Nhiều nhà đầu tư bám trụ và tập trung phát triển các dự án lớn tại TP Vị Thanh, trung tâm hành chính tỉnh, nơi thuận tiện giao thương với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ.
Ông Lê Tiến Vũ, Phó TGĐ Điều hành Cty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường đánh giá, thị trường BĐS Hậu Giang là một thị trường còn rất trẻ, chưa có nhiều khu đô thị hiện đại. Đồng thời, quỹ đất sạch nơi đây còn rộng rãi nên sẽ là cơ hội thuận lợi cho các tập đoàn lớn khai thác và đầu tư. “Trong tương lai, BĐS Hậu Giang nói chung, TP Vị Thanh nói riêng sẽ là tâm điểm đầu tư hấp dẫn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Vũ đánh giá.
Khác với nhiều tỉnh, thành trong khu vực, hiện Hậu Giang đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN), vừa phát triển kinh tế, vừa thay đổi diện mạo đô thị và thu hút dân cư. Nhiều khu đô thị, khu dân cư thương mại cũng tập trung phát triển gần KCN.
Tính đến cuối năm 2019, tỉnh có gần 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 123.860 tỉ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 552 triệu USD. Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh có gần 50 dự án ở các khu, cụm công nghiệp được đầu tư với số vốn khoảng 68.000 tỉ đồng và trên 750 triệu USD. Các dự án BĐS KCN còn hướng đến nhu cầu nhà ở của đội ngũ chuyên gia, người lao động của các tập đoàn đa quốc gia và lao động nội địa.
Ông Nguyễn Văn On, Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nam Châu đánh giá, Hậu Giang là thị trường non trẻ nên con đường đầu tư rất rộng rãi và thông thoáng. Xu hướng đầu tư BĐS KCN mang lại rất nhiều lợi thế. Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ tập trung nhiều lao động, kỹ sư, doanh nhân đến làm việc, song song đó kéo theo sự phát triển của các dịch vụ. Đình Thương