Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình hoạt động, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị liên quan không ngừng hoàn thiện các cơ chế hoạt động của TTCK hiện đại, minh bạch…
Top 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
Theo Chủ tịch UBCKNN, TS Vũ Bằng, năm 2016, mặc dù chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới, TTCK Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Chỉ số VN-Index tăng 16%, mức vốn hóa thị trường đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, tương đương 46% GDP, tăng 40%; Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.888 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015. Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 348 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng giá trị thu được qua cổ phần hóa thoái vốn trên TTCK đạt trên 20 nghìn tỷ.
Về hoạt động đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,67 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài vào ròng với giá trị cao nhất 5 năm qua. Giá trị danh mục liên tục gia tăng, đạt 17,3 tỷ USD vào cuối tháng 10/2016 (tăng 18% so với cuối năm 2015).
Đánh giá thị trường sau 20 năm hoạt động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định: “Qua 20 năm hoạt động của ngành chứng khoán, TTCK nước ta nay đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu năm 2016 tương đương với 74% GDP, tăng hơn 35% so với năm 2015. TTCK là công cụ hiệu quả thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn gắn với TTCK được triển khai tốt từ chính sách đến hoạt động cụ thể”.
Thêm nhiều kỳ vọng
Phát biểu tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2017 tại Sở GDCK Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, TTCK được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển tích cực hơn khi Đảng và Nhà nước đã rất coi trọng vai trò của TTCK trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế, chủ trương nhất quán tập trung phát triển TTCK theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tạo kênh huy động hiệu quả các nguồn vốn cho nền kinh tế, cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình hoạt động, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư, chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan không ngừng hoàn thiện các cơ chế hoạt động của TTCK hiện đại, minh bạch…; Đồng thời giao 5 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là hệ thống Luật Chứng khoán thế hệ mới trên tinh thần phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển và phát huy ngày càng tốt hơn chức năng, vai trò của TTCK đối với nền kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại TTCK và cơ quan quản lý. Đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán, đảm bảo nguyên tắc phát triển TTCK với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các loại sản phẩm, nghiệp vụ đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát bảo đảm tính công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia TTCK.
Thứ ba, đảm bảo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa TTCK phái sinh vào hoạt động từ quý II/2017; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của TTCK, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Hoàn thiện các điều kiện về cơ sở pháp lý và hệ thống kỹ thuật cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có thể triển khai từ năm 2018.
Thứ tư, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch TPCP nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển; Kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của TTCP; Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành; Phát triển trái phiếu chính quyền địa phương gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước, giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương để từ đó thúc các địa phương tăng cường công tác huy động vốn (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương) trên thị trường trái phiếu chính phủ và phát hành trái phiếu xanh.
Thứ năm, tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần DNNN; triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, tái cơ cấu và phát triển TTCK.