Cầu vượt cung
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo dự báo của Bộ GTVT, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn từ 2020 – 2030. Trong đó, sản lượng vận chuyển ước đạt 64 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Về số lượng máy bay, Bộ GTVT đề xuất, năm 2020, số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 220 chiếc, năm 2030 là 400 chiếc, tăng 70-100 chiếc so với quy hoạch trước đây.
Ngoài ra, bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ khai thác 23 cảng hàng không với sản lượng 144 triệu lượt hành khách/năm; đến năm 2030 sẽ khai thác 28 cảng hàng không với sản lượng 308 triệu lượt hành khách/năm. Để đạt được mục tiêu này, tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng hơn 350 tỷ đồng, riêng giai đoạn đến năm 2020 là hơn 84 tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tiễn, dự thảo điều chỉnh của Bộ GTVT là cần thiết bởi Việt Nam hiện mới chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia khai thác thị trường vận tải hàng không, đó là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet và Vasco. Đội máy bay mang quốc tịch Việt Nam tính đến hết năm 2017 có gần 180 chiếc.
Tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, tỉ lệ đi lại bằng máy bay của người dân Việt Nam chỉ đạt 0,5%, thời điểm 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên 0,8%.
Những năm gần đây, tần suất di chuyển bằng bằng phương tiện hàng không của người Việt ngày càng lớn, đặc biệt là khách du lịch. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài năm 2016 và con số này tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 9,5% trong vòng 5 năm tới.
Nhu cầu tăng cao trong khi số lượng các chuyến bay hạn chế, điều đó chứng tỏ thị trường hàng không Việt Nam vẫn trong tình trạng cầu vượt cung. Theo nhận định của lãnh đạo các hãng lớn, để có một thị trường thực sự cạnh tranh, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không thay vì 4 hãng như hiện nay.
Cơ hội mới cho nhà đầu tư
Trước đó, trong cuộc họp cuối tháng 11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh “việc điều chỉnh Quy hoạch là cần thiết, tạo khung pháp lý để tiếp tục phát triển GTVT hàng không trong thời gian tới, đảm bảo bền vững, an toàn”.
Nắm bắt xu thế tất yếu của thị trường, một số doanh nghiệp tư nhân đã công bố kế hoạch đầu tư vào sân bay, hãng bay như Vietstar Airlines, Tân Cảng, và mới đây nhất là Bamboo Airways của Công ty Viet Bamboo Airlines – một đơn vị của Tập đoàn FLC.
Theo thông tin từ FLC, Bamboo Airways được định vị trở thành hãng hàng không “Hybrid” đầu tiên tại Việt Nam kết hợp giữa mô hình hàng không truyền thống và mô hình hàng không giá rẻ. Các chuyến bay sẽ tập trung khai thác vào thị trường ngách, mở đường bay thẳng từ quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định…
Không chỉ đầu tư vào hãng bay, FLC còn đầu tư đồng bộ vào hạ tầng bay, như nâng cấp và mở rộng sân bay Phù Cát, triển khai các tuyến đường giao thông huyết mạch từ sân bay về khu Kinh tế Nhơn Hội…
Hiện nay, Bamboo Airways đang trong giai đoạn hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở về công nghệ, kỹ thuật… để chuyến bay đầu tiên được cất cánh vào năm 2019. Cụ thể, theo thông tin từ ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines, công ty đã ký hợp đồng ghi nhớ về việc mua 24 máy bay Airbus A321 Neo đời mới nhất với Tập đoàn Airbus để chuẩn bị phục vụ hoạt động.
Trong thời gian tới, khi dự thảo Điều chỉnh của Bộ GTVT đi vào thực tiễn, cùng với sự đi lên của ngành du lịch đẩy tăng lượng khách trong và ngoài nước, cơ hội phát triển trong thị trường hàng không được kỳ vọng sẽ chia đều cho những hãng hàng không mới, có chiến lược hợp lý như Bamboo Airways.