Thị trường mua sắm Tết vẫn trầm lắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, nhưng sức mua hàng hóa chuẩn bị Tết đang khá trầm lắng khi sức mua vẫn còn rất thấp, người tiêu dùng vẫn chỉ mua sắm các hàng hóa thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.
Hàng hóa chuẩn bị cho Tết đã ngập tràn tại siêu thị. (Ảnh: PV)
Hàng hóa chuẩn bị cho Tết đã ngập tràn tại siêu thị. (Ảnh: PV)

Hàng hóa ngập tràn

Hiện hệ thống các siêu thị lớn, nhỏ, cửa hàng nông sản thực phẩm đều đã sẵn sàng hàng hóa cho dịp Tết âm lịch sắp tới. Tất cả đều chuẩn bị số lượng hàng hóa tăng khoảng 15 - 20% so với năm trước. Các loại giỏ quà Tết cũng đã được các hệ thống bán buôn bán lẻ tung ra từ khá sớm với đa dạng giá cả, thậm chí từ 99.000 đồng/giỏ cũng có thể có một giỏ quà Tết với một số món hàng thiết yếu; Từ 200.000 đã có thể lựa được giỏ quà Tết tưng bừng sắc màu với nhiều sản phẩm đa dạng mang thương hiệu quen thuộc.

Đại diện Coopmart cho biết, năm nay, do khó khăn của nền kinh tế nên người dân cũng e dè hơn trong mua sắm Tết. Do đó, hệ thống này cũng đã chuẩn bị rất nhiều các loại giỏ quà với nhiều mệnh giá để đáp ứng được tất cả nhu cầu người tiêu dùng từ phân khúc bình dân đến cao cấp, để bảo đảm ai cũng có thể sắm Tết theo túi tiền của mình. Hệ thống siêu thị Lotte cũng tung ra các giỏ quà có mệnh giá từ 119.000 đồng để có thể sẻ chia khó khăn với người dân trong giai đoạn hiện nay. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với các chương trình kích cầu hàng tuần, được kéo dài từ trước Tết khoảng 1 tháng.

Một số cửa hàng nông sản thực phẩm dạng siêu thị mini cũng đã “chào hàng” giỏ quà Tết, bánh kẹo chuẩn bị Tết từ rất sớm với số lượng nhích nhẹ so với thời điểm Tết trước. Bà Hoàng Thị Phượng - quản lý siêu thị mini ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, ngoài số lượng giỏ quả Tết đã đặt trước từ các khách hàng quen, năm nay siêu thị của bà cũng vẫn chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa để người dân sắm Tết.

Tuy nhiên, theo bà Phượng, nhu cầu và thói quen mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Người dân thường lựa chọn những sản phẩm vừa có thương hiệu, vừa phù hợp với túi tiền nên các nhà sản xuất cũng phải chuẩn bị hàng hóa Tết theo xu hướng này. Do đó, hầu hết các nhà sản xuất đều cũng đã tung các mẫu hàng chuẩn bị Tết với giá cả phù hợp, thậm chí còn gia tăng thêm quyền lợi cho khách hàng bằng các món quà dành cho dịp Tết như phong bao lì xì, thiệp chúc Tết…

Đáng chú ý, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP cũng đã liên kết lại với nhau, tạo ra các giỏ quà đặc sản mang hình ảnh từng địa phương thông qua các sản phẩm xuất hiện trong giỏ quả Tết. Với lợi thế của nhà sản xuất, các giỏ quà từ sự liên kết này đều có giá thành hợp lý và cũng hút được nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu mua số lượng lớn để tặng người lao động của mình.

Sức mua còn yếu

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Giám đốc Công ty Hoàng Anh Maca cho biết, mua sắm Tết năm nay yếu hẳn so với năm trước. Thông thường, các năm, các phần quà Tết mà các doanh nghiệp lớn đặt hàng đều khá cao nhưng năm nay các set quà đều có xu hướng giảm hẳn độ hoành tráng và giá cả. Công ty của bà Huyền ngoài phục vụ phân khúc hạt cao cấp còn có các mặt hàng khô phục vụ Tết như nấm, mộc nhĩ… nhưng năm nay, số lượng doanh nghiệp đặt hàng “giảm hạt, tăng đồ khô” tăng mạnh do các doanh nghiệp cũng thắt chặt hầu bao khi sẵn sàng giảm giá trị của các gói quà Tết.

Qua ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trong những ngày này, dù chỉ còn 3 tuần nữa đã đến Tết Nguyên Đán nhưng số lượng người mua sắm chuẩn bị Tết vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Hầu hết người tiêu dùng vẫn chủ yếu chọn mua các đồ tiêu dùng thiết yếu hàng ngày dù vẫn dành nhiều thời gian để… ngắm giỏ quà, hàng hóa Tết tại các hệ thống phân phối.

Giám đốc một siêu thị lớn ở Hà Đông không ngần ngại cho biết, lượng người đến siêu thị mua sắm Tết rất ít dù hệ thống đã tăng cường hàng hóa Tết từ cả tháng nay. Ngày nào nhân viên siêu thị cũng sắp xếp thêm một mặt hàng Tết mới tại khu trưng bày để kích thích sức mua nhưng dường như người dân vẫn rất thờ ơ dù Tết cũng đến khá gần. Theo lý giải của vị này, có thể năm nay, xu hướng mua sắm online đã tăng mạnh nên người dân ở nhà đặt hàng nhiều hơn. Bản thân siêu thị này cũng tăng cường quảng bá kênh bán hàng đa kênh, qua điện thoại, qua website, thậm chí mở các kênh zalo để dễ tiếp cận với khách hàng hơn số lượng “hàng đi” cũng không đáng kể.

Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng cho biết tình trạng mua sắm Tết vẫn chưa có gì biến chuyển khi người tiêu dùng cũng vẫn chưa mặn mà sắm đồ. Tuy nhiên, các hệ thống siêu thị vẫn tiếp tục cung ứng hàng để chuẩn bị cho sức mua tăng lên trong vài ngày tới. Đại diện của các hệ thống siêu thị lớn đều vẫn rất tin tưởng vào sức mua trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn này, chỉ là “đến chậm” hơn so với các năm trước.