Thị trường smartphone: “Cửa” nào cho thương hiệu Việt?

Trong một “biển” các sản phẩm smartphone ở cả các phân khúc từ cao cấp, trung cấp đến bình dân đang cạnh tranh khá khốc liệt, những nhà sản xuất, kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt phải vất vả chen chân và có chiến lược, hướng đi phù hợp để chiếm được trái tim người dùng, tìm chỗ đứng trên thị trường. 
Thị trường điện thoại thương hiệu Việt mới đón thêm 2 dòng sản phẩm smartphone 4G/LTE

Trong những ngày gần đây, thị trường điện thoại thương hiệu Việt được hâm nóng trở lại với sự xuất hiện của 2 dòng sản phẩm smatphone 4G/LTE ở 2 phân khúc: một cận cao cấp Bphone 2017 của Bkav và một bình dân Vivas Lotus S3 LTE của VNPT. 

Mặc dù đích đối tượng hướng đến của 2 dòng sản phẩm này là khác nhau nhưng có một điểm chung: đây đều là những smartphone “Made in Vietnam”, là tâm huyết, thành quả quá trình nghiên cứu và phát triển của các kỹ sư Việt Nam, để từng bước khẳng định vị thế công nghệ cũng như tạo một ngành sản xuất smartphone do người Việt làm chủ. Trong khi Bphone 2017 là thế hệ smartphone thứ 2 của Bkav thì Vivas Lotus S3 LTE là sản phẩm thứ 5 thuộc dòng smartphone của VNPT.

Bên cạnh 2 dòng sản phẩm smartphone “Made in Vietnam” mới ra lò, trước đó, thị trường cũng đã chứng kiến một số sản phẩm của một số hãng điện thoại mang thương hiệu Việt như Mobiistar, Masstel... Và một doanh nghiệp chuyên dòng TV màn hình CRT giá rẻ ở Việt Nam cũng nhảy sang thị trường smartphone giá rẻ đang được đánh giá là khá khắc nghiệt và sắp ra mắt sản phẩm trên thị trường. 

Nhìn lại thị trường, đến nay một số hãng điện thoại Việt Nam hoặc rất èo uột, hoặc đang dần rơi rụng. Một chủ siêu thị điện thoại có tiếng trên thị trường thẳng thắn cho rằng, mảng điện thoại thương hiệu Việt đã yếu đi nhiều. 

Thực tế, bức tranh thị trường điện thoại thương hiệu Việt vẫn có những điểm sáng nhất định khi có một số thương hiệu còn trụ lại, xuất hiện trên kệ của các shop kinh doanh điện thoại và gặt hái những thành công nhất định khi nhắm vào phân khúc bình dân, giá rẻ. 

Tất nhiên, giá rẻ thì chỉ có thể tính bằng số lượng máy còn doanh thu thì lại là một câu chuyện khác. Theo số liệu thống kê của GfK tháng 5/2017 thì Mobiistar đã đứng thứ 4 toàn thị trường, chiếm doanh số 2,96% và đứng thứ 8 về doanh thu (0,86%). 

Mobiistar cũng là một trong những hãng điện thoại bán chạy nhất 6 tháng đầu năm. Trong số thương hiệu điện thoại được GfK xếp hạng, cả 3 hãng điện thoại Mobiistar, F-Mobile, Masstel đều được xứng tên nhưng doanh thu lại kém hơn các đối thủ có doanh số bán thấp hơn. 

Nhìn những diễn biến trên thị trường điện thoại hiện nay có thể thấy, các hãng điện thoại thương hiệu Việt sẽ phải chật vật cạnh tranh với các thương hiệu cả trong và ngoài nước để tìm chỗ đứng cho mình. 

Thực tế, một số hãng điện thoại ở thị trường Việt Nam đã thành công vì hiểu tâm lý người dùng Việt, đặt chất lượng và giá cả lên hàng đầu. Người dùng Việt không khó, chỉ cần các hãng smartphone Việt hiểu được người dùng đang cần gì và đáp ứng, một số chuyên gia chia sẻ. 

Một số ý kiến cho rằng, phân khúc smartphone giá rẻ và trung cấp mới chính là phân khúc giúp các hãng điện thoại, đặc biệt là điện thoại thương hiệu Việt dễ dàng giành được thị phần nhất thay vì tập trung vào các smartphone cao cấp rất “khó có cửa” để cạnh tranh với những ông lớn đã có tên tuổi từ lâu.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm công nghệ VNPT Technology, smartphone là một thứ rất khó làm mới, nên phải chắt lọc từng thứ một và người dùng cảm nhận từng cái. 

Với các smartphone 4G có giá hợp lý, kiểu dáng sang trọng và các ứng dụng trong đó nếu tốt sẽ hút người dùng. 

Còn ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động, cho rằng, nếu các nhà sản xuất Việt Nam tâm huyết với sản phẩm mình làm ra, có chiến lược phân phối tiếp thị sản phẩm đúng đắn thì có thể giành được thị phần. 

“Muốn tạo niềm tin cho thị trường, chúng ta phải xây dựng dần dần, chứ không thể bắt người dùng phải tin vào sản phẩm Việt. Với niềm tin chưa được xây dựng, nếu làm điện thoại giá cao với thương hiệu Việt là rất khó. Khi đã chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng qua chính sách bảo hành, qua các phần mềm... thì họ sẽ ủng hộ sản phẩm tiếp theo của mình. Tuy nhiên, điều này cần phải có thời gian”, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm công nghệ VNPT Technology, nhận định.

Đọc thêm