Thị trường trái phiếu: Tăng trưởng cao ngất, chất chứa rủi ro

(PLO) - Với tốc độ tăng trưởng bình quân 23% trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi tại khu vực ASEAN+3 cũng như Đông Á. Tuy nhiên, trong cấu trúc tổng thể của thị trường tài chính Việt Nam, thị trường trái phiếu Chính phủ còn khá khiêm tốn và vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cao nhất và nhỏ nhất
Hai con số đáng lưu ý trong tổng kết 5 năm thành lập thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), đó là tốc độ tăng trưởng bình quân 23% và thị phần 14% trong cấu trúc tổng thể thị trường tài chính.
Chính thức thành lập vào ngày 24/9/2009, trong 5 năm qua, thị trường TPCP đạt những bước phát triển toàn diện từ quy mô, tính thanh khoản, chất lượng sản phẩm đến cơ sở nhà đầu tư, cơ sở pháp lý và hạ tầng công nghệ giao dịch. Quy mô thị trường tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân 23%/năm, dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi tại khu vực ASEAN+3 cũng như Đông Á.  
Giao dịch TPCP diễn ra sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tính đến hết tháng 8/2014, tổng giá trị danh mục TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương đang lưu hành đạt xấp xỉ 720 nghìn tỷ đồng, tăng gấp khoảng 600 lần so với năm 2000 và tương đương 19,5% GDP năm 2013.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan tổng thể quy mô thị trường tài chính Việt Nam cũng như so sánh với thị trường các nước khác trong khu vực, theo đánh giá chung, quy mô thị trường này vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng. Thị trường TPCP vẫn chiếm thị phần khá khiêm tốn so với 2 thành phần còn lại là thị trường cổ phiếu và hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. 
Tính đến cuối năm 2013, quy mô thị trường tài chính ước tương đương khoảng 140% GDP thì thị trường trái phiếu chỉ chiếm 14%, thấp hơn so với thị trường cổ phiếu (chiếm 18,6%) và đặc biệt là hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng (67,8%)…
Rủi ro nội tại
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong tổng số 53 thành viên tham gia thị trường TPCP hiện nay thì có 27 thành viên là tổ chức tín dụng (TCTD). Bà Hồng cũng cho biết, những tháng đầu năm 2014, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng còn hạn chế do sức hấp thụ và sức cầu của nền kinh tế thấp, hệ thống ngân hàng đã rất tích cực trong việc mua TPCP, và bằng cách này, hệ thống ngân hàng đã đưa thanh khoản vào nền kinh tế… 
Không có con số cụ thể về giá trị TPCP mà các TCTD đang nắm giữ song theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, khối ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò chính trên thị trường với tỷ trọng nắm giữ 86%.
Mặc dù lãi suất so với cho vay DN thấp hơn đáng kể song trong bối cảnh DN vẫn khó khăn, việc các TCTD đầu tư cho TPCP để hưởng sự an toàn cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, thị trường TPCP không phải không có rủi ro. Rủi ro đầu tiên phải kể đến chính là tồn tại và khiếm khuyết thị trường. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng sản phẩm TPCP còn nghèo nàn, chưa đa dạng về loại hình trái phiếu nói chung và cấu trúc lãi suất phát hành nói riêng, kỳ hạn chủ yếu đến 5 năm, số lượng mã trái phiếu lưu hành còn lớn (536 mã TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).
Mặt khác, các sản phẩm giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá trong hoạt động đầu tư trái phiếu cho các nhà đầu tư trái phiếu trong nước và nước ngoài hầu như chưa có khung pháp lý để triển khai thực hiện. Do vậy, thị trưởng tiềm ẩn rủi ro khi lãi suất biến động. Cùng với đó là các yếu tố kinh tế vĩ mô, tính thanh khoản của thị trường tài chính; hệ thống ngân hàng vẫn còn là yếu tố tiềm ẩn tác động đến thị trường này…
Rủi ro… “trên trời”
Nhận định thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất cả so với quý trước cũng như so với cùng kỳ năm trước, song trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng này đã đưa ra cảnh báo việc lãi suất tại Mỹ tăng sớm hơn dự đoán, thị trường bất động sản tại Trung Quốc tăng trưởng chậm và tâm lý ngại rủi ro, lạm phát tăng cao do căng thẳng ở khu vực Trung Đông là rủi ro “đang tăng lên” mà các trái phiếu của châu Á, trong đó có Việt Nam phải đối mặt.
“Châu Á dường như đang ở một vị thế thuận lợi để đối mặt với bất kỳ biến động nào, nhưng các rủi ro đang tăng lên một cách rõ ràng. Lãi suất tại Mỹ cao hơn và một đồng đô-la mạnh hơn có thể cũng sẽ đem đến khó khăn cho những người đi vay bằng đồng đô-la để trang trải các khoản nợ của mình” -ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB phân tích.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì những rủi ro kiểu “giời ơi” như thế này không phải không đáng quan tâm…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thị trường trái phiếu đã phát huy vị thế và vai trò trong khu vực thị trường tài chính và thị trường vốn. Năm 2009 quy mô của thị trường TPCP ở mức 17 tỷ USD, ước đến cuối năm 2014 lên tới 43 tỷ USD. Điều này cho thấy vị thế của thị trường trái phiếu, đặc biệt là TPCP, đã góp phần thay đổi cơ cấu của thị trường, trong đó có mối quan hệ giữa thị trường vốn cổ phần và thị trường nợ, và trong thị trường nợ có mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu và tín dụng ngân hàng.

Đọc thêm