Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9 là thời kỳ cao điểm của thị trường xe đạp điện, xe máy điện. Theo một số gia đình, loại phương tiện này khá phù hợp đối với lứa tuổi và bậc học này vì dù có điều kiện nhưng nhiều gia đình không thể sắm cho con em mình xe máy phân khối lớn do chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều hãng sản xuất liên tục tung ra thị trường dòng sản phẩm, giá cả phù hợp hấp dẫn người tiêu dùng. Tại Hà Nội, trên các con phố chuyên kinh doanh mặt hàng này như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Phố Huế, Hồ Tùng Mậu..., khách đến xem khá đông và thường nhộn nhịp dịp cuối tuần. Nhiều cửa hàng phải tuyển thêm nhân viên bán và tư vấn, đồng thời nhập thêm các mặt hàng với mẫu mã, chủng loại đa dạng để khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Phần lớn đối tượng mua xe là học sinh, sinh viên nên thời điểm này trên thị trường có khá nhiều chủng loại, kiểu dáng trẻ trung, màu sắc bắt mắt. Anh Cường phụ trách một cửa hàng trên đường Tô Hiệu cho biết, so với những năm trước, năm nay thì thị trường xe điện khởi động sớm hơn nửa tháng. Trong thời gian nửa cuối tháng 7 vừa qua - thời điểm học sinh đã biết kết quả thi vào THPT, bình quân mỗi ngày, cửa hàng của anh bán được 10 chiếc xe. Nếu tính bình quân mỗi chiếc giá 10 triệu đồng, thì doanh thu cửa hàng anh đã tới trăm triệu đồng/ngày.
Quan sát thị trường thấy đa phần phụ huynh chọn mua cho con em mình những mẫu xe đã được lắp ráp sẵn mang thương hiệu hàng Việt Nam, Thị trường xe điện “tăng nhiệt” trước thềm khai giảng năm học mới có chất lượng cao như HK Bike, Anbico, Lyva và những nhãn hàng liên doanh với nước ngoài lắp ráp trong nước như DiBao.
Thị trường xe điện không chỉ sôi động tại thành phố lớn mà ngay tại các tỉnh thành lân cận Hà Nội, dịp này cũng nhộn nhịp không kém. Anh Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc chuỗi cửa hàng xe điện Khánh Toàn (đường Hùng Vương, phường Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, thời điểm từ tháng 7 đến hết tháng 8 được xem là “mùa vàng” đối với thị trường xe đạp điện, xe máy điện. Vào thời điểm này, mỗi ngày, cửa hàng bán được khoảng 50 chiếc, trong khi trước thời điểm này, mỗi ngày cửa hàng chỉ tiêu thụ được 20 chiếc. Ở khu vực này, đa phần khách hàng lựa chọn các sản phẩm là thương hiệu hàng Việt Nam.
Theo anh Nguyễn An Đông, chủ cửa hàng xe điện Phương Đông ở TP.Vĩnh Yên cho biết, với ưu điểm tiết kiệm chi phí, đi 100km chỉ mất 2.000 đồng tiền điện, không gây ô nhiễm môi trường và dễ dàng di chuyển nên xe đạp điện đang là một phương tiện được nhiều học sinh và người cao tuổi ưa chuộng.
Bên cạnh mặt hàng xe đạp điện, học sinh bậc THPT hoặc những người có điều kiện tài chính có thể lựa chọn những mẫu xe cao cấp giá không thua kém một chiếc xe phân khối lớn. Chẳng hạn mẫu xe điện thương hiệu HondaClub 50 (không cần bằng lái) chính hãng của Nhật Bản hiện có giá tới 80 triệu đồng, tương đương một chiếc Honda SH 125cc chính hãng lắp ráp tại Việt Nam.
Phân khúc tầm trung loại xe 50cc là các thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc). Mấy năm trước, SYM đưa ra 2 dòng xe Angela và Elegant đều trên 15 triệu đồng/chiếc. Gần đây, SYM giới thiệu thêm 2 dòng xe khác là Elite (nữ) giá trên 20 triệu đồng/chiếc và Amigo (nam) trên 16 triệu đồng/chiếc. Còn một thương hiệu khác là Kymco cũng tung ra thị trường các dòng sản phẩm mới như Like, Candy, có giá trên 20 triệu đồng/chiếc, Many có giá 30 triệu đồng/chiếc. Giá “mềm” hơn xe Nhật nên nhiều khách hàng năm đầu tiên của bậc THPT đã lựa chọn như là món quà của những gia đình có điều kiện đối với con em mình sau khi đã vượt qua kỳ thi đầy khó khăn hồi đầu tháng 7.
Ngoài những dòng xe máy 50cc “dùng được” như đã nêu, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện những sản phẩm mập mờ nguồn gốc, chẳng hạn như các dòng xe nhái HondaClub 50 có giá thấp chỉ từ 11-14 triệu đồng với những dòng quảng cáo lập lờ là hàng lắp ráp từ linh kiện chính hãng, đòi hỏi người tiêu dùng phải khôn ngoan khi lựa chọn.