Thi tuyển lãnh đạo để chọn nhân tài

(PLO) - Ngày 16/3, Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển vị trí Phó Giám đốc Học viện Tư pháp. Chia sẻ với PLVN về sự kiện này, bà Phan Thị Hồng Hà (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp) hy vọng đây sẽ tiền đề để tạo ra những đột phá trong quá trình kiện toàn lãnh đạo quản lý các đơn vị thuộc Bộ nói riêng và công tác cán bộ của Bộ Tư pháp nói chung, để ngày càng xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của Bộ, ngành...
Thi tuyển lãnh đạo để chọn nhân tài
“Rộng đường” lựa chọn nhân tài
Được biết, vị trí Phó Giám đốc Học viện Tư pháp là chức danh lãnh đạo cấp Vụ đầu tiên được Bộ Tư pháp chọn để thí điểm thi tuyển, bà có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
- Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ tạo thêm một kênh để thu hút, lựa chọn những người có tài năng. Chính vì vậy, để triển khai Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2013-2015, Bộ Tư pháp lựa chọn thí điểm thi tuyển đối với chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phụ trách công tác đào tạo. 
Một lý do để thực hiện việc thí điểm tuyển chọn chức danh này vì hiện Học viện Tư pháp đang là trung tâm đào tạo nghề các chức danh tư pháp, các chức danh quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp. 
Học viện Tư pháp cũng đang tích cực để triển khai Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và cấp thiết trong đào tạo chức danh tư pháp. 
Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với Học viện Tư pháp trong thực hiện sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao phó trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, cũng như đáp ứng yêu cầu chung về phát triển nguồn nhân lực chức danh tư pháp trong thời gian tới. 
Việc tổ chức thi tuyển đối với chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp vừa để “rộng đường” lựa chọn người có đủ năng lực, trình độ tăng cường năng lực lãnh đạo, điều hành hoạt động của Học viện Tư pháp trong tình hình mới, vừa để rút kinh nghiệm trong việc mở rộng áp dụng hình thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo mới này trong thời gian tới. 
Chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả
Bộ Tư pháp đã chuẩn bị và có biện pháp bảo đảm nào để kết quả thi tuyển sẽ đáp ứng yêu cầu đặt ra?
- Quá trình chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi được thực hiện kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, khách quan và dân chủ. Vị trí thi tuyển, các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi được thông báo rộng rãi, công khai trên báo chí và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp với thời gian dài để các ứng viên có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và đăng ký dự thi. Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, ngoài việc ban hành các quy chế tổ chức thi còn thành lập Ban giám sát để thực hiện việc giám sát toàn bộ quá trình tổ chức thi tuyển.
Về ứng viên dự tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp lần này, có 02 ứng viên đăng ký dự thi, trong đó có 01 ứng viên là viên chức của Học viện Tư pháp và 01 ứng viên là cán bộ ngoài Học viện Tư pháp. Các ứng viên đều đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, có trình độ tiến sĩ luật, có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giảng dạy và quản lý.
Một biện pháp bảo đảm nữa là từ Hội đồng thi tuyển. Xuất phát từ đặc thù công tác đào tạo của Học viện Tư pháp nên Hội đồng thi tuyển ngoài thành phần là các thành viên Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến hoạt động của Học viện Tư pháp, còn có sự tham gia của đại diện của Đảng ủy Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Với thành phần Hội đồng này sẽ bảo đảm tính toàn diện và có nhiều góc nhìn trong việc đánh giá đối với từng ứng viên dự tuyển. 
Trân trọng cảm ơn bà và chúc cuộc thi thành công tốt đẹp!
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Thái Phúc: 
“Tôi hết sức hoan nghênh và mong đợi kết quả thi tuyển”
“Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý là một chủ trương hết sức đúng đắn của lãnh đạo Bộ Tư pháp và là hình thức rất mới trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Ở góc độ người thụ hưởng sản phẩm, kết quả của thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc, Học viện hết sức hoan nghênh hình thức này vì thi tuyển sẽ tạo ra cơ sở khách quan hơn, thuyết  phục hơn trong việc lựa chọn được một lãnh đạo cho Học viện; đồng thời cũng mở rộng khả năng lựa chọn, nguồn tuyển chọn lãnh đạo cho Học viện, không chỉ từ Học viện, từ các đơn vị thuộc Bộ mà có thể là từ ngoài Bộ Tư pháp, thậm chí cả các luật sư đang hành nghề. Cùng với đó, việc thi tuyển sẽ khách quan hơn, có tính cạnh tranh hơn để Học viện hy vọng sẽ có được sản phẩm của quá trình thí điểm thi tuyển là một Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo có năng lực, xứng đáng. Ở Học viện, vị trí này là “cánh tay phải của Giám đốc” nên với tư cách Giám đốc Học viện, tôi hết sức hoan nghênh và mong đợi kết quả của việc thí điểm thi tuyển lần này”.

Đọc thêm