Được thay bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Luật Đầu tư 2005, việc áp dụng thủ tục cấp GCNĐT đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh danh là một trong nhiều quy định được coi là cải cách của Luật. Việc tích hợp hai thủ tục trên hướng đến mục tiêu giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, song chưa tính những đặc thù của hai loại thủ tục này.
Thực tiễn cho thấy, GCNĐT và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác nhau cả về nội dung, bản chất và giá trị pháp lý, làm phức tạp thủ tục cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Một vướng mắc điển hình là trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai dự án đầu tư dẫn đến phải thu hồi GCNĐT, nhưng do GCNĐT đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên doanh nghiệp phải giải thể bắt buộc nếu thu hồi Giấy này, trong khi đó vi phạm của nhà đầu tư không thuộc diện phải giải thể doanh nghiệp.
Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hào Hùng cho biết, trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), GCNĐT dự kiến được thay bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cùng những sửa đổi, bổ sung về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại Giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư, không phải là Nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án.
Đặc biệt, Bộ này cũng đề xuất thiết lập cơ chế liên thông giải quyết thủ tục cấp GCNĐKĐT và thủ tục liên quan tới sử dụng đất đai, xây dựng. Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy; Cơ quan cấp GCNĐKĐT chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh về hồ sơ dự án đầu tư mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan để thực hiện từng thủ tục.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm theo hướng yêu cầu tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT đơn giản trong trường hợp này. Nghĩa là, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không thẩm tra, xem xét lại những nội dung đã được thẩm tra, xem xét trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Chỉ 4 nhóm dự án phải làm thủ tục cấp GCNĐKĐT
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật thu hẹp đáng kể diện các dự án phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước, vừa sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Dự kiến chỉ còn 4 nhóm dự án gồm dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Công ty Luật Vilaf – Hồng Đức bày tỏ sự đồng tình với sửa đổi đáng chú ý nêu trên, mặc dù có chút e ngại về việc có thể phát sinh giấy phép “con” đối với dự án đầu tư có điều kiện, tương tự thực trạng trong hoạt động kinh doanh chuyên ngành hiện nay.
Còn đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Cần bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; đồng thời áp dụng thủ tục cấp GCNĐKĐT cho các trường hợp dự án cần Nhà nước chuyển giao quyền sử dụng tài nguyên, đất đai chứ không chỉ là nhóm đất đai như Dự thảo hiện tại.
Đại diện VCCI còn đề xuất, đối với nhóm dự án phải đánh giá báo cáo tác động môi trường thì chỉ áp dụng thủ tục cấp GCNĐKĐT nếu có thay đổi tương ứng trong pháp luật về môi trường để đảm bảo dự án tuân thủ các quy hoạch, nhất là quy hoạch về môi trường, rồi nhà đầu tư mới thực hiện báo cáo đánh giá tác động. Đối với nhóm dự án cần Nhà nước cho hưởng ưu đãi đầu tư, chỉ áp dụng thủ tục cấp GCNĐKĐT nếu Giấy này thực sự giúp nhà đầu tư yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp các ưu đãi cụ thể.