Thị xã Hương Thuỷ: Khởi sắc kinh tế - xã hội với nhiều triển vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thị xã Hương Thuỷ (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2024, đầu tư hơn 138 tỷ đồng vào các công trình trọng điểm ở thị xã Hương Thủy.
Năm 2024, đầu tư hơn 138 tỷ đồng vào các công trình trọng điểm ở thị xã Hương Thủy.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Ngoài việc dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, việc nhiều khu đô thị đang hình thành tạo ra diện mạo mới cho Hương Thủy. Không chỉ hứa hẹn tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân, phát triển hạ tầng sẽ góp phần giúp Hương Thủy bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với hình thành các công viên, điểm xanh, thời gian qua, các tuyến đường trên địa bàn Hương Thủy được nâng cấp hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được hạ ngầm, vỉa hè lát đá sạch sẽ, thoáng rộng, hệ thống cây xanh bố trí mang tính thẩm mỹ cao... Tiêu biểu như nút giao cầu vượt Thủy Dương giờ đã khoác màu áo mới. Cùng với đó, một công viên “xanh” ở cửa ngõ phía nam thành phố đang dần lộ diện.

Năm 2024, nhiều công trình trọng điểm được UBND thị xã Hương Thủy phê duyệt chủ trương đầu tư hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều điểm nhấn cho không gian đô thị. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cấp tuyến đường Mỹ Thủy (đoạn từ đường Sóng Hồng đến kênh Mặt Trận), với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng; dự án mở rộng tuyến đường Thủy Phù – Phú Sơn, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng; đầu tư tuyến đường Nguyễn Thái Bình nối Trần Hoàn (phường Thủy Lương), với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng; dự án đầu tư vỉa hè đường Sóng Hồng giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 2 công trình được UBND tỉnh bố trí vốn như, tuyến đường vào các cơ quan quân khu và đại đội trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; dự án đầu tư khu tái định cư Tố Hữu.

Diện mạo đô thị Hương Thủy ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Diện mạo đô thị Hương Thủy ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Theo lãnh đạo thị xã Hương Thủy, song song với đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trọng điểm, thị xã luôn ưu tiên công tác chỉnh trang, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng xanh - sạch - sáng - hiện đại; tập trung xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, thông qua hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường chính trên địa bàn, điện chiếu sáng hiện đại.

Lãnh đạo thị xã Hương Thủy cho biết, thời gian tới, Hương Thủy sẽ tập trung mọi nguồn lực để cùng với tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị, từng bước hình thành hệ thống đô thị phù hợp trên địa bàn thị xã.

Hương Thủy đang cho thấy hiệu quả trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị, với hàng loạt các dự án khu dân cư mới, khu đô thị mới. Các khu đô thị như: khu A, đô thị mới An Vân Dương; khu dân cư Thủy Thanh; khu dân cư Thủy Dương; khu dân cư Hói Sen; khu dân cư liền kề khu đô thị mới CIC8… là không gian sống lý tưởng cho người dân, bên cạnh chức năng nhà ở, các khu đô thị còn tổng hòa được cả các hoạt động dịch vụ, thương mại, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Bứt phá từ những dự án lớn

Kêu gọi đầu tư những dự án lớn; nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, tiện ích; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng mức thụ hưởng của người dân là những điều Hương Thủy đã và đang thực hiện, qua đó xây dựng một đô thị Hương Thủy hiện đại, năng động.

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh với chi phí thực hiện dự án gần 4.200 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn (thị xã Hương Thuỷ).

Tại dự án này, nhà đầu tư sẽ xây dựng khoảng 1.000 căn nhà ở dạng thấp tầng (gồm nhà liền kề, biệt thự) và khoảng 118.000 m2 sàn thương mại dịch vụ cùng với một số thiết chế công cộng như trường học, khu tập luyện thể dục thể thao. Đây là một trong những hạng mục của dự án Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn - một dự án lớn với quy mô hơn 500ha (trong đó, khoảng 237 ha thuộc phường Thủy Dương, khoảng 112 ha thuộc phường Thủy Phương và khoảng 163 ha thuộc xã Thủy Thanh) với định hướng kết hợp phát triển kinh tế, du lịch bền vững, chuyển tiếp giữa khu đô thị mới và khu vực nông thôn theo hình thức đô thị xanh, hài hòa với cảnh quan môi trường và đem lại nhiều tiện ích.

Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn khi hình thành được kỳ vọng không chỉ đem lại thay đổi trong cuộc sống của người dân bản địa và người dân các vùng lân cận mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội và diện mạo đô thị của thị xã Hương Thủy nói riêng, toàn tỉnh nói chung, qua đó, trở thành trợ lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành "Thành phố xanh quốc gia".

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành "Thành phố xanh quốc gia".

Đặc biệt, Dự án Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn (tọa lạc tại thôn số 2, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) vừa chính thức đi vào hoạt động có tổng vốn đầu tư khoảng 74,555 triệu USD (bao gồm bãi chôn lấp tro bay). Hiện nay, nhà máy xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu kilowatt giờ điện xanh mỗi năm. Đây là nhà máy xử lý rác sinh hoạt lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm hiện nay.

Năm 2024, Hương Thủy xác định là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI đề ra, nhất là thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà trong đó, Hương Thủy “định hình” sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, đô thị quan trọng của tỉnh.

Chính vì vậy, cùng với việc khắc phục những tồn tại của năm 2023; chú trọng xây dựng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền điện tử, thị xã Hương Thủy cũng đề ra mục tiêu cho năm 2024 với những con số cụ thể như: thu ngân sách đạt hơn 375 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 81-83 triệu đồng, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 76%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,48%...; đồng thời, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.

Những kết quả đạt được đã minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong toàn thị xã. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với những giải pháp trọng tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả, thị xã Hương Thuỷ tiếp tục phát huy nội lực, khai thác tối đa các nguồn lực để xây dựng thị xã ngày càng phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là một trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đọc thêm