Cuộc thi thiết kế quy mô toàn thế giới
Được khởi công xây dựng vào năm 1959, Nhà hát Opera Sydney chính thức khai trương vào năm 1973. Ban đầu, người ta ước chi phí để xây dựng công trình này là khoảng 7 triệu đô la Úc, nhưng trên thực tế, con số đã đội lên thành 102 triệu đô la. Điểm cao nhất của Nhà hát Opera Sydney đạt 67m so với mực nước biển, tương đương một tòa nhà 22 tầng.
Công trình này có tổng chiều dài là 187m, rộng 115m, tọa lạc trên một vùng đất rộng khoảng 5.798 ha. Các cánh buồm của Nhà hát Opera được thiết kế riêng ở Pháp, được làm từ khoảng 1 triệu viên gạch. Mỗi một cánh buồm có giá khoảng 100.000 đô la Úc.
Nhà hát Opera Sydney trở thành một trong những công trình kỹ thuật tuyệt vời của Úc và cả thế giới. Năm 2007, công trình này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2007. Người ta nói rằng, nếu so sánh, tòa nhà này khiến cho Tòa nhà Empire State ở New York, Mỹ trở nên đơn giản như xây một gara để xe hơi.
Để có được công trình này, Úc đã mở một cuộc thi thiết kế quy mô toàn thế giới để lựa chọn ra thiết kế độc đáo và phù hợp nhất. Bản thiết kế của kiến trúc sư Đan Mạch Joern Utzon đã được chọn. Sau đó, một lượng nhân lực hùng hậu lên tới 10 ngàn người được huy động để tham gia việc biến bản vẽ kỳ thú trở thành một công trình biểu tượng.
Trong giai đoạn 1 của việc xây dựng, một bục có cấu trúc giống kim tự tháp của người Maya đã được dựng lên. Nhân lực được huy động cho việc xây dựng phần bục này do doanh nhân nhập cư người Hà Lan có tên Dick Dusseldorp, người sáng lập Công ty Civil & Civic, sau này nổi lên với tên gọi Công ty Lend Hire, đảm nhiệm.
Đến ngày 25/3/1963, các kỹ sư và công nhân bước sang giai đoạn của việc xây dựng với việc lắp ghép phần mái. Phần công việc này được giao cho Công ty xây dựng Queensland Hornibrook. Giám đốc dự án Dundas Corbett Gore đã thuê một số kỹ sư đặc biệt để tham gia hoạt động xây dựng. Trong giai đoạn này, chính kỹ sư Corbett Gore của Công ty Hornibrook đã quyết định sử dụng keo epoxy resin, một loại keo siêu dính, đông cứng trong vài giờ, để dán các kết cấu lại với nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới kỹ thuật này được sử dụng ở một tòa nhà lớn. Những chiếc “xương sườn” của phần mái công trình vốn có hình dạng như những chiếc lá cọ đã được lắp ráp từng chiếc một, kết lại với nhau như một bộ Lego khổng lồ gồm 2.194 phân đoạn bê tông đúc sẵn. Sau đó, chúng được dán lại với nhau bằng loại nhựa siêu dính đặc trắng như sữa đặc.
Ngày 22/11/1963, phần đầu tiên của mái bê tông được hạ xuống vị trí trên phần khung hình kim tự tháp. Một công nhân nhớ lại đã nhìn thấy những giọt nước mắt rơi vội trên mắt kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon khi chứng kiến khoảnh khắc những đoạn bê tông được lắp ghép một cách hoàn hảo trên phần bục. Nhiều người trong số 10 ngàn công nhân đến từ 90 quốc gia trên thế giới, đã bật khóc trước cảnh tượng này.
Từng đoạn khung sau đó được hạ xuống một cách cẩn thận bằng một giàn đỡ do Hornibrook sáng chế ra, với sự trợ giúp của một vòm thép do Giám đốc Gore dựng lên. Tuy nhiên, người đứng sau thiết kế ra toàn bộ những thiết bị và quy trình này là một người nhập cư từ Pháp tên Joe Bertony.
Đầu óc như máy tính
Ông Bertony sinh ở đảo Corsica của Pháp vào năm 1922. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bị môn toán học mê hoặc. Đến tuổi trưởng thành, Bertony gia nhập lực lượng hải quân Pháp, theo học ngành kỹ thuật hải quân tại học viện Saint-Tropez. Bước ngoặt trong cuộc đời Bertony đến khi ông được tuyển dụng làm điệp viên ngay khi đang còn ngồi trên giảng đường.
Chiến tranh thế giới II nổ ra, Bertony trở thành điệp viên của Pháp và đã hai lần bị cơ quan tình báo Gestapo của Đức Quốc xã bắt giữ rồi đưa đến các trại tập trung để thủ tiêu. Tuy nhiên, với sự nhanh trí cộng với chút may mắn, ông đã trốn thoát cả hai lần.
|
Ông Joe Bertony |
Trong đó, có một lần ông đã gần như trần truồng nhảy ra khỏi một chuyến tàu đang chạy và sống sót với chỉ vài bộ quần áo, không có thức ăn trong điều kiện băng tuyết trong suốt 10 ngày. Với những đóng góp của mình, Bertony đã được trao Huân chương thập tự chinh của Pháp. Tướng Pháp Charles De Gaulle đã từng hết lời ca ngợi ông về sự dũng cảm, anh hùng và kỷ luật của ông.
Sau cuộc chiến, Bertony chạy trốn khỏi châu Âu. Tương tự nhiều người cùng thời, ông đã lên thuyền tới nước Úc với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Năm 1952, ông đến Tây Úc và sau đó đến làm việc trong các mỏ uranium ở Rum Jungle thuộc vùng lãnh thổ phía Bắc của nước này. Tại đây, Bertony sống ở một thị trấn được xây dựng cho những công nhân, chủ yếu là những người nước ngoài độc thân không có giấy tờ làm việc ngả lưng qua đêm.
Sau khi đã tích lũy được một số tiền nhỏ và những kinh nghiệm quý báu trong quá trình làm việc, vào đầu những năm 1960, Bertony đã quyết định chuyển tới Queensland để tìm kiếm một công việc tốt hơn. May mắn đã mỉm cười khi ông đã được nhận vào làm việc tại Hornibrook, một công ty khá có tiếng lúc bấy giờ.
Ở Hornibrook, sau khi đã chứng minh được năng lực của mình, Bertony được điều động tới Sydney để tham gia xây dựng công trình lớn nhất mà công ty được giao: Nhà hát Opera Sydney. Một trong những phần việc quan trọng và cũng là khó khăn nhất trong việc xây dựng công trình này chính là phân đoạn xây dựng bệ đỡ, ghép mái vòm của công trình lên phần khung đỡ trước đó.
Để làm được điều này, Bertony đã phải làm đến 30 ngàn phương trình bằng tay để tính toán ra mọi chỉ số, từ trọng lực, khối lượng, vị trí lắp đặt các khối bê tông… Biên độ sai số khi ghép các phân đoạn với nhau chỉ có thể dưới 1,2cm.
Bất cứ mảng ghép nào khi có sai số quá khoảng cách nói trên đều sẽ có thể đẩy tất cả mọi thứ xuống sông xuống biển. Thêm vào đó, tất cả các cấu trúc đều cong, không có một mặt phẳng trong toàn bộ mái nhà. Vì vậy, việc tính toán về hình học để đảm bảo mọi động tác đều chuẩn xác là vô cùng phức tạp.
Sau khi Bertony đưa ra những tính toán của mình, để đảm bảo không có sai sót, công ty Hornibrook vẫn đã giao cho một đồng nghiệp trẻ của ông Bertony là David Evans kiểm tra lại trên máy tính. Tại thời điểm đó, ở Úc chỉ có một chiếc máy tính đủ mạnh để có thể thực hiện được phần công việc này, là chiếc IBM 7090 tại Trung tâm nghiên cứu vũ khí ở Nam Úc, một cơ sở của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng chuyên thử nghiệm tên lửa tầm xa cho các lực lượng vũ trang. Evans đã mất hơn một tháng để làm việc ca đêm ở Nam Úc vì đó là thời điểm duy nhất chiếc máy tính không dùng đến.
Điều kinh ngạc là tất cả những tính toán của Bertony đều rất chuẩn xác và vừa vặn. “Mọi người có thể nói rằng người đứng đầu Hornibrook Corbett Gore có thể tìm một người hoặc một nhóm người khác để thực hiện phần công việc của Joe nhưng tôi nghĩ rằng khó có thể có người nào có được tài năng để xây dựng những vòm đỡ và cả hàng việc quan trọng khác ở hiện trường hoàn hảo như ông ấy đã làm.
Nếu là người khác, việc đó sẽ mất nhiều tâm sức, đòi hỏi phải thực hiện nhiều thử nghiệm và sai sót. Thời gian để có được những khung đỡ như vậy cũng sẽ kéo dài hơn, ngân sách lớn hơn nhiều nếu ông Joe không ở đó”, Evans về sau dành những lời vô cùng tốt đẹp để nói về người đàn anh.
Sau khi Nhà hát Opera Sydney hoàn tất, Bertony chuyển sang xây dựng các cây cầu và tiếp tục gặt hái nhiều thành công với nhiều công trình kỹ thuật lớn khác như Cầu Roseville của Sydney và Cầu Nest của bắc qua sông Nepean. Đầu tháng 4/2019, ông đã qua đời ở tuổi 97, để lại sự ngưỡng mộ cho nhiều người về đặc điểm thiên tài tính toán của mình.