Không sinh con vì nhiều áp lực
“Cả hai chúng tôi đều đi làm và không có nhiều thời gian. Việc sinh em bé chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, vì có quá nhiều áp lực. Thay vào đó chúng tôi tập trung chăm sóc cho Sancho-một con chó giống Pomeranian (phốc sóc), 5 tuổi. Bất cứ khi nào đi công tác nước ngoài, tôi đều mua một thứ gì đó tặng cho Sancho, vì tôi là bố của nó”, anh Kang Sung-il và vợ nói.
Vợ chồng anh Kang Sung-il nói rằng, mỗi tháng chỉ mất khoảng 100.000 won (90 USD) cho Sancho, trong khi nuôi một đứa trẻ phải tốn gấp 3 lần. Chia sẻ với Reuters, người đàn ông này cho rằng vấn đề chính là áp lực xã hội: “Ở Hàn Quốc, mọi người tin rằng cha mẹ cần phải chu cấp đầy đủ nguồn lực để con cái có thể đi học gia sư, rồi học thêm hay học nghệ thuật trong cả chục năm”.
Bên cạnh chi phí học tập khổng lồ cho con cái, một người Hàn Quốc trung bình phải tiết kiệm trong 13 năm để có đủ tiền mua một căn nhà cỡ vừa. So với năm 2014, thời gian đó chỉ là gần 9 năm, theo số liệu của ngân hàng Kookmin Bank. Trong khi đó, số liệu của OECD đưa ra, người Hàn Quốc làm việc trung bình nhiều giờ nhất trong một năm, chỉ sau Mexico và Costa Rica, hơn nhiều so với Nhật Bản và Mỹ.
Ngành công nghiệp nuôi thú cưng
Vợ chồng anh Kang Sung-il không phải là những người duy nhất trong xã hội Hàn Quốc và ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng của quốc gia này đang phát triển cực mạnh. Trên thực tế, số hộ gia đình Hàn Quốc có thú cưng đã chiếm 28% trên tổng số gia đình nơi đây năm 2018. Để so sánh, chỉ 18% hộ có thú cưng trong năm 2012. “Tỷ lệ nuôi thú cưng gia tăng khi ngày càng nhiều người chọn cách không có con, hoặc thậm chí không kết hôn”, Kim Soo-kyung, quản lý Viện nghiên cứu kinh tế KPMG Samjong cho biết.
Chính điều đó đã khiến ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng phát triển mạnh mẽ với các dịch vụ như tư vấn chế độ ăn cho thú cưng và chụp ảnh giá cao. Các công ty khởi nghiệp liên quan đến thú cưng cũng đang thịnh hành. Ngành công nghiệp liên quan đến thú cưng ở nước này trị giá 2,4 tỷ đôla vào năm ngoái, và dự kiến có thể tăng gấp đôi vào 2027.
Một trong số những công ty hưởng lợi từ làn sóng bùng nổ thú nuôi là Pet Pick, chuyên cung cấp các thực đơn được thiết kế riêng cho hơn 10.000 con vật. Anh Park Eun-byul, đồng sáng lập công ty Pet Pick - chuyên sản xuất thức ăn cho thú cưng, cho biết, “Nhiều khách hàng của chúng tôi là các cặp vợ chồng trẻ, họ coi thú cưng như con mình và sẵn sàng chi trả nhiều tiền. Chúng tôi chỉ sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao, như cá hồi và quả nam việt quất, do vậy các sản phẩm đắt hơn gấp đôi so với thức ăn cho động vật thông thường”.
Theo số liệu của kênh bán hàng trên truyền hình CJ ENM TV, doanh số các sản phẩm chăm sóc thú cưng đã tăng gấp 3 lần vào năm 2018, sản phẩm bán chạy nhất của họ là một chiếc máy lọc nước dành riêng cho mèo có hình cây xương rồng giá hơn 100 USD. Ông Lee Da Woon, người phụ trách nhóm sản phẩm chăm sóc thú cưng của kênh truyền hình, cho biết: “Nó đắt gấp đôi máy lọc nước thông thường nhưng chúng tôi bán được hàng chục cái mỗi ngày”.
Dịch vụ tang lễ dành cho thú cưng cũng bắt đầu trở nên phổ biến. Hiện tại trung bình có khoảng 10 đám tang diễn ra mỗi ngày ở cơ sở nơi anh Kang làm việc, gấp đôi so với 3-5 trường hợp mỗi ngày khi công ty mới thành lập 2 năm trước.