Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau bão là lũ quét, lũ ống kéo theo đất đá từ núi cao đổ xuống vùi lấp nhiều nhà cửa, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Trong mất mát, đau thương phủ trùm, lũ tràn cùng nước mắt tràn theo. Và trong cơn hoạn nạn, tình người càng trở nên ấm áp và đẹp đẽ. Nhiều bạn trẻ nói rằng, nếu có kiếp sau, vẫn muốn làm người Việt Nam…
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai lật từng tảng đá tìm kiếm người mất tích ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: Hồng Sáng/ Báo Quân đội nhân dân)
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai lật từng tảng đá tìm kiếm người mất tích ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: Hồng Sáng/ Báo Quân đội nhân dân)

Khi trái tim cùng chung nhịp đập

Cơn bão số 3 - Siêu bão Yagi là một trong những siêu bão lớn nhất, mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây. Khi tiến vào đất liền, siêu bão Yagi mang theo sức gió giật cấp 13, 14, có nơi giật cấp 17 và những trận mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở đất trên diện rộng. Các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… chịu tổn thất nặng nề về con người và tài sản. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn gốc cây bị bật gốc, đường sá giao thông bị chia cắt, cơ sở hạ tầng, hoa màu bị tàn phá nghiêm trọng. Có nơi đã biến thành một vùng nước trắng xoá chỉ sau một đêm. Mọi hoạt động sản xuất và đời sống bị đình trệ hoàn toàn.

Sau bão là lũ. Ở đồng bằng, mưa to gió lớn phá đổ nhà cửa, cây cối, công trình, gây ngập lụt đồng ruộng, hoa màu. Ở vùng núi cao, bão lũ khủng khiếp hơn, nó gây lũ ống, lũ quét... cuốn trôi nhà cửa, của cải, trâu bò, lợn gà... đổ ngập bùn nhão, đất đá lên ruộng bậc thang và nương ngô, khoai, sắn, hoa màu. Đau đớn hơn, lũ cuốn trôi cả con người…

Những thông tin dồn dập về sập cầu, người chết và mất tích do bão, lũ, mà đau thắt lòng. Họ là đồng bào, là người dân nước Việt, máu đỏ da vàng, cùng tổ tiên con Lạc cháu Hồng, cùng chung giọng nói, tiếng cười và cùng chung dân tộc.

Khi sập cầu Phong Thổ là tiếng thét gọi nhau, sự hốt hoảng đọng trên ánh mắt người ở trên bờ, lời hô ứng cứu như kéo người ta bừng tỉnh, tìm đủ mọi cách để cứu người. Có kỳ tích xảy ra, có người được cứu, nhưng còn đó những người mất tích, dòng nước đục ngầu như máu đỏ cuồng nộ kia sẽ cuốn số phận của họ đi đâu?...

Và đó là những tang thương liên tiếp, Làng Nủ chìm trong bùn đất vào rạng sáng 10/9, sập Nhà điều hành Thủy Điện Đông Nam Á làm 5 người ra đi và không có kỳ tích nào sau khi tìm kiếm. Là vụ sạt lở đất giữa trưa tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã cuốn trôi 8 ngôi nhà, làm 18 người bị vùi lấp. Sau 5 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 10 thi thể, 8 người còn mất tích… và nhiều lắm những bản làng, phố xá tan hoang sau bão…

Trước thiên tai, phận người trở nên mong manh, nhỏ bé. Không ở đâu, không có nơi nào là an toàn tuyệt đối trước thiên nhiên… Trước đau thương mất mát của đồng bào, ai cũng nghĩ làm được gì thì hãy làm để lòng mình nhẹ nhõm. Trong cơn bão số 3, nhiều người dân đã mở rộng vòng tay để giúp đỡ đồng bào mình. Họ sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, manh áo, giúp nhau vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Hình ảnh những người dân trao nhau từng chiếc áo mưa, từng thùng mì tôm, những bao gạo cứu trợ đã làm ấm lòng biết bao nhiêu người.

Đây không chỉ là hành động hỗ trợ vật chất mà còn là sự truyền cảm hứng, sự động viên tinh thần lớn lao để tất cả cùng vượt qua hoạn nạn. Từ phương Nam xa xôi, từ miền Trung, Tây Nguyên nắng gió những đội quân tình nguyện đã thần tốc hướng về miền Bắc, mong muốn được chia sẻ khó khăn với đồng bào mình.

Dù cho cuộc sống thường ngày với nỗi lo cơm áo, gạo tiền sẽ cuốn chúng ta theo nhịp điệu của cuộc sống hối hả. Nhưng khi đất nước gặp khó khăn, cả dân tộc lại chung một nỗi lo, triệu triệu trái tim hoà cùng một nhịp, để tạo nên sức mạnh cộng hưởng vượt qua thử thách. Từ em bé đến cụ già, từ người dân lao động bình dị đến những doanh nhân, cán bộ công chức đã chung tay, góp sức cùng dân tộc.

Nhìn những đoàn cứu trợ từ miền Nam, miền Trung đêm ngày tiến về miền Bắc; sự ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần của các địa phương, nhà hảo tâm, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài dành cho những nơi chịu ảnh hưởng của bão, lũ, mỗi người Việt càng thêm tự hào về tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” của chúng ta trên đất nước hình chữ S thân yêu.

Nhiều người nói rằng, cơn bão số 3 không chỉ là một thử thách mà còn là một phép thử đối với tinh thần đoàn kết. Những gì chúng ta đã chứng kiến trong những ngày qua là một minh chứng rõ ràng rằng, khi người dân và quân đội, chính quyền và các tổ chức xã hội cùng chung tay, thì không có thử thách nào là không thể vượt qua.

Thắp lên niềm tin và hy vọng

Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Trong những ngày mưa bão cuồng phong, quân đội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa. Nhiều chiến sĩ đã thức trắng đêm, đội mưa gió, đối diện với nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt, để đưa hàng cứu trợ đến tay người dân. Có những khu vực, họ phải chạy đua với nước lũ, chẳng kịp ăn vội bát cơm, chẳng kịp chợp mắt cho lại sức, đã phải cơ động cấp tốc đến hiện trường. Bởi họ hiểu rằng, sự có mặt của bộ đội là một niềm tin, một điểm tựa tinh thần to lớn để gieo lên, thắp sáng lên niềm tin cho nhân dân đang trong hoang mang, tuyệt vọng.

Và trong siêu bão Yagi, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh. Có những người chiến sĩ đã ra đi mãi mãi khi cố gắng sơ tán những người dân trong vùng nguy hiểm. Những người chiến sĩ ấy đã ngã xuống giữa thiên tai, nhưng lòng can đảm và tình yêu thương đồng bào của họ vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân. Những hi sinh thầm lặng của họ đã góp phần khắc phục hậu quả của thiên tai, và đồng thời thắp sáng ngọn lửa của tinh thần dân tộc Việt Nam, một dân tộc kiên cường, bất khuất và đoàn kết. Nhìn những hình ảnh chia nhau vội nồi mì tôm, chân ngập nước mà mắt sáng, tâm vững chí bền, ta thấy mình nhỏ bé và biết ơn dường nào.

Quán cơm 5 Trường, ở phường Phổ Minh, thị xã Ðức Phổ, Quảng Ngãi là một trong những điểm hỗ trợ cơm, nước miễn phí cho lái xe vận chuyển hàng hóa cứu trợ các tỉnh phía bắc do Trạm CSGT Đức Phổ, phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Không chỉ là những suất cơm, những hộp cá khô xóc lạc, sữa, bánh, mì tôm… Nhiều tổ chức, cá nhân đã liên tục chia sẻ về mong muốn được giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang trên mạng xã hội, như vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, áo phao, hàng cứu trợ... tới đồng bào vùng lũ.

Bên dưới những bài đăng trên mạng xã hội, các bình luận liên tục cập nhật thông tin về những khu vực khó khăn, cần sự hỗ trợ để cộng đồng tiếp tục chia sẻ, kết nối với các nhà hảo tâm, các đơn vị, cơ sở kinh doanh nhằm kịp thời hỗ trợ người dân.

Hay đơn giản chỉ là những bó rau, những gói xôi mà những người mắc kẹt tại vùng lũ đang chia sẻ cho nhau từng ngày. Việc cả thôn cùng đào bới, tìm kiếm người gặp nạn, dù thiên tai có thể đến bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng của chính bản thân họ đã chạm đến trái tim nhiều người…

Theo TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội từ xa xưa ở Phương Đông đã xuất hiện nhân vật điển hình là Mạnh Thường Quân chuyên giúp đỡ dân thường, những người nghèo, sa cơ lỡ vận. Người Việt Nam mang đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, tử tế và lương thiện. Đáng nói hơn, chính những đức tính ấy càng được nhân lên, bộc lộ rõ hơn thông qua các biến cố, sự cố do thiên tai, lũ lụt gây nên.

Vốn là một dân tộc trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã hình thành được tính cố kết cộng đồng làng xã rất lâu đời, gần gũi thương yêu, che chở lẫn nhau để cùng chống lại các thế lực ngoại bang cũng như việc bảo vệ đê điều, làng mạc, mùa màng trước những thảm họa thiên nhiên có thể thường xuyên xảy ra. Đối với dân tộc Việt Nam thì hai vấn đề khiến tinh thần đoàn kết của người dân lên cao, dễ nhận thấy nhất chính là khi có giặc ngoại xâm và chống thiên tai, lũ lụt. Từ xa xưa, ông cha ta đã luôn phải đối mặt với hai vấn đề này một cách thường trực, triền miên.

Chính vì vậy, sự đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của con người Việt Nam như đã “có gen” trong mỗi chúng ta. “Tôi cho rằng, vấn đề được nêu ra trên đây là những hiện tượng rất đặc sắc về bản chất của con người Việt Nam. Bản chất ấy là cao quý, dân tộc Việt Nam trọng tình cảm, yêu thương đồng loại. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc giữ gìn, khơi dậy và phát huy một cách đúng đắn, trân trọng yếu tố này sẽ giúp Việt Nam vững vàng, tự tin trên hành trình phát triển ở phía trước”, TS Trung bày tỏ...