Thiết kế trang phục Việt - mong manh giữa sáng tạo và lố lăng

(PLVN) - Thiết kế thời trang là cuộc chơi của sự sáng tạo. Thế nhưng, những sáng tạo, phá cách nếu không dựa trên nền tảng văn hóa, thuần phong mỹ tục sẽ trở thành sản phẩm lỗi, gây phản cảm.

Tranh cãi mẫu thiết kế “bàn thờ”

“Bàn thờ” là tên gọi của mẫu thiết kế tham gia cuộc thiết kế trang phục cho Hoàng Thùy dự thi Miss Universe 2019. Mẫu thiết kế này ngay từ khi xuất hiện đã lập tức gây ấn tượng với công chúng, không phải vì nó quá xuất sắc, mà bởi ý tưởng rất đỗi kì quặc của nó.

Bộ trang phục lấy hình ảnh bát hương làm điểm nhấn, cùng với khung ảnh thờ và tông màu trắng đỏ cùng với họa tiết nhang, mâm thức ăn cúng... tạo cho người xem cảm giác như đang chứng kiến một chiếc bàn thờ di động. 

Theo thông tin giới thiệu về bộ trang phục đăng trên Fanpage của cuộc thi, mẫu thiết kế này được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trang phục là sự kết hợp của ảnh thờ, bát hương, lọ hoa và mâm cỗ.

Không dừng ở đó, tác giả mẫu thiết kế còn giới thiệu chi tiết về bộ trang phục: "Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu, thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ).

Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem, nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn. Tuy kì quặc và bị chỉ  trích vì khá phản cảm, mẫu thiết kế bàn thờ vẫn nhanh chóng lọt top đầu lượt bình chọn trong cuộc thi.

Trước đó, mặc dù được chọn là mẫu thiết kế trang phục dân tộc để H’Hen Nie mặc tham gia Miss Universe, mẫu thiết kế Bánh mì vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo nhận định của nhiều người trong và ngoài giới chuyên môn, mẫu thiết kế bánh mì có vẻ vui mắt, lấy ý tưởng món ăn truyền thống dân tộc, nhưng cách thể hiện khá phô, cách sắp đặt những ổ bánh mì, thịt thà... thiếu đi sự tinh tế cần có cho một bộ  trang phục.

Mẫu thiết kế trang phục "bàn thờ" gây nhiều tranh cãi những ngày qua.
Mẫu thiết kế trang phục "bàn thờ" gây nhiều tranh cãi những ngày qua.

Về phần bộ trang phục Bàn thờ, mọi thứ còn đi quá xa hơn, mặc dù đã lồng ghép câu chuyện “truyền thống thờ cúng”, nhưng rất tiếc bộ trang phục không hề nêu bật lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống Việt mà chỉ gây cho người ta cảm giác giật mình, hoảng hốt mà thôi.

Cũng trong cuộc thi này, một mẫu thiết kế khác cũng gây “giật mình” là mẫu thiết kế mang tên Mì Quảng. Cũng lấy ý tưởng ẩm thực Việt năm trước, nhưng trang phục này còn “đáng sợ” hơn bởi tạo hình tô mì Quảng thô thiển, kèm theo những mảng da, đôi chân ếch đen đúa với móng vuốt nằm bên dưới tô mì (!).

Những sáng tạo quá giới hạn

Còn nhớ, năm 2018, trang phục dân tộc mà Phan Thị Mơ - Hoa hậu đại sứ du lịch Thế giới (World Miss Tourism Ambassador) cũng gây ra tranh cãi không nhỏ. Mặc dù trên lý thuyết, ý tưởng kết hợp giữa áo dài dân tộc và kiến trúc chùa Một cột có vẻ khá truyền thống, nhưng thực tế, người ta chỉ trông thấy một bộ áo dài tập trung cầu kì phần mấn nặng nề với họa tiết chùa Một cột, phần dưới là chiếc áo dài lai bikini một mảnh hoàn toàn lộ đùi, đồng thời có phần cổ gần giống sườn xám của Trung Hoa. Không những không toát lên vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mà trang phục này còn gợi lên cảm giác “lợn cợn” cho người xem.

Còn không ít những bộ trang phục gây tranh cãi như thế. Càng về sau, giới hạn của sự sáng tạo trong thiết kế trang phục càng được mở rộng biên độ hơn. Nhiều mẫu thiết kế chạm được đến sự xuất sắc, độc đáo về mặt ý tưởng và cách thức thực hiện.

Nhưng cũng chính vì quá táo bạo, đôi lúc các nhà thiết kế đã đi quá giới hạn, biến mẫu thiết kế của mình trở thành thảm họa thời trang. Đặc biệt, đối với những mẫu thiết kế trang phục truyền thống, nếu quá táo bạo, thiếu sự hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa cổ truyền, người thiết kế có thể cho ra đời những sản phẩm có vẻ lạ mắt, bắt mắt nhưng lai tạp, thiếu bản sắc, thiếu chiều sâu. 

Nếu hoàn toàn lấy danh nghĩa sự sáng tạo để trang phục mặc sức bay bổng theo ý muốn, bất chấp quy chuẩn văn hóa, thuần phong mỹ tục và quan trọng là bất chấp hoàn cảnh sự kiện mà trang phục xuất hiện, nhà thiết kế rất có thể sẽ vượt khỏi ranh giới mong manh để tạo ra những sản phẩm “lỗi”, thậm chí gây phản cảm, nhận “gạch đá” từ công chúng.

Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp bộ váy khoe thân của nhà thiết kế Đỗ Long mà Ngọc Trinh diện trang LHP Cannes, khiến truyền thông quốc tế chỉ trích, công chúng trong nước phẫn nộ và tẩy chay. Đó cũng là bài học đắt giá cho các nhà thiết kế.