Thiệt thòi vì không đăng ký khai tử cho người thân

Dù pháp luật quy định rất rõ đăng ký khai tử là trách nhiệm của người còn sống nhưng không phải ai cũng làm,  dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc...

Đến nay, vẫn còn nhiều người xem nhẹ việc đăng ký khai tử; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hệ quả của việc này rất lớn…

Nguy cơ mất tài sản

Gia đình chị M.T.H ở Từ Liêm Hà Nội có 5 anh chị em. Gia sản của nhà họ có một mảnh đất hơn 1.000m2. Ngày còn sống, bố mẹ chia cho mỗi anh chị em một khoảnh đất, riêng ngôi nhà cổ 4 gian ông bà giao anh cả làm nơi thờ tự  nhưng việc chia đất ngày ấy không có giấy tờ; chị là phận gái, đi lấy chồng xa nên cũng không để ý. Tuy nhiên, sau khi ông bà mất nhiều năm, đất đai ngoại thành lên giá vùn vụt, người anh cả một mình định chiếm cả dinh cơ. Không thỏa thuận được, họ kiện nhau ra Tòa.

Nhưng đến khi nhận hồ sơ, Tòa yêu cầu chị H. (là đại diện cho các nguyên đơn) phải xuất trình giấy chứng tử của bố mẹ mình để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế còn hay hết. Đến lúc bấy giờ, cả 4 anh chị em chị H mới té ngửa ra…chưa đi đăng ký khai tử. Đáng nói là, ông bà mất đã lâu, người nhà chị H. không còn lưu giữ bất cứ giấy tờ gì chứng minh thời điểm ông bà mất. Cán bộ Tòa án giải thích, nếu chị không chứng minh được, thì vụ án sẽ không được giải quyết.

Đăng ký khai tử không chỉ để xác định đúng thời điểm chết để tính thời hiệu thừa kế như của chị H, nhiều trường hợp khác, giấy chứng tử còn có giá trị trong việc truy lĩnh hay hưởng các chế độ chính sách, thậm chí trong cả việc tái hôn nếu người vợ/chồng không may mất sớm... Tuy nhiên, khi cần, nhiều người đã không thể chứng minh được người thân của mình mất khi nào, và đương nhiên họ không được hưởng quyền lợi mà lẽ ra họ được nhận.

Trách nhiệm, cũng là quyền lợi

Trở lại thời bao cấp, khi gia đình có người chết, người thân của họ đi khai tử còn được cấp khăn xô trắng, cút dầu hỏa, thậm chí là cả cái áo quan nên việc đăng ký khai tử rất nề nếp. Nhưng xóa bao cấp rồi, mặc dù pháp luật quy định rất rõ đăng ký khai tử là trách nhiệm của người còn sống nhưng không phải ai cũng làm, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Không những ở những nơi vùng sâu, xa, giao thông cách trở, ngay ở Hà Nội, việc đăng ký khai tử cũng không được thực hiện triệt để. Từ năm 2009, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Sở Tư pháp TP tiến hành rà soát tình trạng đăng ký khai tử tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn từ 1961 trở lại đây. Mặc dù chưa công bố kết quả chính thức nhưng đã có những con số rất gây “sốc”. Có huyện, số người chết mà không đăng ký lên tới gần 10 ngàn người, ít hơn thì 5-7 ngàn, còn phổ biến cũng một vài ngàn…

“Việc khai tử ở khu vực nội thành được chấp hành khá tốt, nhưng còn các huyện ngoại thành, đặc biệt các khu vực của Hà Tây cũ lại “bỏ sót” rất nhiều”, một lãnh đạo Phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu chưa đăng ký khai tử thì vẫn có thể đăng ký quá hạn, tuy nhiên, nhiều người không thể nhớ chính xác ngày mất của người thân mình, hay có nhớ cũng không còn giấy tờ chứng minh để xuất trình cho cơ quan tư pháp làm thủ tục khai tử.

“Phải xác định khai tử là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mỗi cá nhân người sống”, nhiều lãnh đạo ngành Tư pháp khuyến cáo. Việc không khai tử không chỉ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng các chính sách về kinh tế xã hội, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhưng mặt khác cán bộ Tư pháp cũng cần chủ động hơn trong trường hợp người dân vì những lý do nào đó không thể đi đăng ký khai tử. “Có thể thông qua các tổ trưởng tổ dân phố, các già làng, trưởng bản để nắm thông tin về người chết và vận động gia đình họ đi đăng ký”, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ứng Hòa Lê Văn Lệnh hiến kế. Cũng theo ông Lệnh, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này để người dân hiểu rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.

Thu Hằng

Đọc thêm