Thiếu chế tài xử lý người khiếu nại sai trong thi hành án dân sự

(PLVN) -Quyền khiếu nại trong thi hành án dân sự (THADS) là một quyền quan trọng, thể hiện tính dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, đối với các khiếu nại sai, thiếu căn cứ thì hầu như người khiếu nại không bị xử lý bằng bất cứ hình thức gì do hiện nay Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có chế tài cụ thể.

Quy định xử lý thiếu rõ ràng

Quyền khiếu nại về THADS được quy định tại Điều 140, Điều 143 Luật THADS; khoản 1 Điều 3 Thông tư 02/2016/TT-BTP quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC), đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong THADS. Theo đó, người khiếu nại nếu có căn cứ cho rằng Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên có hành vi,quyết định, trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại và được pháp luật bảo vệ quyền của mình. Người khiếu nại phải tự mình thực hiện việc khiếu nại, trong trường hợp không thể tự mình thực hiện việc khiếu nại thì có thể ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại, điều này cũng được quy định tại Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011.

Song, từ thực tiễn cho thấy, các đơn thư khiếu nại ngoài nội dung khiếu nại các hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS, người khiếu nại còn có các hành vi xúc phạm, quy chụp một cách thiếu căn cứ hành vi trái pháp luật của người bị khiếu nại. Điều này phần nào gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thi hành án và danh dự, uy tín của người bị khiếu nại.

Khi có kết quả giải quyết, nếu khiếu nại là đúng thì người bị khiếu nại có nghĩa vụ khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người bị khiếu nại còn bị xem xét trách nhiệm theo quy định về mặt đảng, chính quyền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.  

Tuy nhiên, nếu khiếu nại là sai thì hầu như người khiếu nại không bị xử lý bằng bất cứ hình thức gì do hiện nay Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về chế tài đối với người khiếu nại sai. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 143 Luật THADS quy định còn thiếu rõ ràng là người khiếu nại có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu .

Trong khi đó, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp khiếu nại không có căn cứ, gây tổn thất về mặt tinh thần, uy tín cho người bị khiếu nại thì người khiếu nại có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc người bị khiếu nại gửi đơn yêu cầu tòa án cấp huyện nơi người làm đơn khiếu nại đang cư trú để khởi kiện yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xúc phạm.

Phải làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC

Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp cơ quan THADS nắm được tâm tư, nguyện vọng cùng những thông tin phản hồi, kiến nghị, góp ý của nhân dân. Từ đó, cơ quan THADS sẽ kịp thời giải quyết KNTC đúng quy định của pháp luật, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, hạn chế các vụ việc có nguy cơ phát sinh yêu cầu bồi thường của nhà nước.

Để hạn chế tình trạng khiếu nại sai, thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án và uy tín, danh dự của người bị khiếu nại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật.

Đặc biệt, các cơ quan THADS phải tiếp tục làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC theo thẩm quyền. Theo đó, cơ quan THADS cần thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đảm nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. 

Tổ chức tốt việc đối thoại, tiếp công dân có KNTC gắn với trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan THADS. Thủ trưởng cơ quan THADS định kỳ phải trực tiếp tiếp công dân, hạn chế ủy quyền cho cấp dưới; những vụ việc phức tạp Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp tiếp dân, tổ chức đối thoại với đương sự.

 Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết KNTC; nghiên cứu kỹ, đầy đủ và toàn diện hồ sơ thi hành án khi giải quyết KNTC. Thủ trưởng cơ quan THADS cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng các quy định của pháp luật trước khi ban hành các quyết định giải quyết KNTC, đảm bảo việc giải được khách quan, đúng pháp luật.

Đối với các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS cần nghiêm tục thực hiện; thường xuyên rà soát và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng Cơ quan THADS trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC. 

Đọc thêm