Ngày 13/7, bệnh nhân L.N.L (16 tuổi) được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, da vàng đậm, niêm mạc nhợt, đau đầu nhiều, đau nhức mỏi bắp chân, đau bụng thượng vị, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở... Dấu hiệu sinh tồn đo được: Mạch nhanh, không đều dao động 100-150 lần/phút, huyết áp tụt.
Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong, cần làm thêm xét nghiệm. Kết quả các chỉ số đều ở mức báo động. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt Artline catheter động mạch, đo huyết áp xâm lấn liên tục, đồng thời hỗ trợ đường thở, hồi sức tích cực, duy trì vận mạch, kháng sinh phối hợp, lợi tiểu, trợ gan, truyền huyết tương, albumin...
Sau điều trị, tình trạng bệnh nhân dần có chuyển biến, tình trạng suy gan giảm, hết suy thận, tình trạng nhiễm trùng được khống chế, tiểu tốt.
Hiện tại sau 6 ngày điều trị tại khoa bệnh nhân đang dần hồi phục, ăn uống ngon miệng dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
Leptospira là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh có thể gặp ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, qua đường da và niêm mạc. Bệnh do Leptospira gây ra có đặc trưng bởi hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, hội chứng gan thận.
Khoảng thời gian từ khi một người tiếp xúc với nguồn ô nhiễm đến khi phát bệnh là từ 2 ngày đến 4 tuần. Bệnh thường bắt đầu đột ngột với sốt và các triệu chứng khác như ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, nôn ói, tiêu chảy… Thể nặng người bệnh có thể bị suy thận, suy gan hoặc viêm màng não với những triệu chứng nặng nề hơn như: Vàng da, vàng mắt, tiểu ít, ban xuất huyết, xuất huyết các cơ quan, sốc…
Bệnh kéo dài từ vài ngày đến 3 tuần hoặc lâu hơn. Nếu không điều trị, có thể mất vài tháng để phục hồi hoặc có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu, người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh.