Thiếu nữ trốn cùng công quỹ
Năm 1992, bà Nguyễn Thị Thơ (SN 1965, HKTT ấp Gò Tre, xã Long Thuận, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) giữ chức tổ trưởng tổ góp vốn. Đây là một mô hình huy động vốn có ý nghĩa tương thân tương ái giữa các thành viên.
Mô hình đang vận hành khá trơn tru, nhiều gia đình đã nhờ nguồn vốn của tổ xóa được đói, giảm được nghèo. Bất ngờ, một ngày đẹp trời, vị tổ trưởng cùng tất cả số tiền quỹ đột nhiên biến mất.
Thời điểm đó, số tiền 30 triệu đồng là một số tiền lớn (tương đương với 10 cây vàng hiện nay). Thơ bị khởi tố về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản”.
Năm 1997, bị cảnh sát ra quyết định truy nã. Việc Thơ đột nhiên bỏ trốn khiến nhiều người bất ngờ. Thời điểm đó, cô gái 27 tuổi, chưa lập gia đình, cũng chưa có người yêu, được mọi người đánh giá ít nói, hiền lành, chu đáo, thậm chí có phần hơi nhút nhát.
Hồ sơ đối tượng được chuyển sang PC14 (nay là PC45) Công an tỉnh Tiền Giang lập kế hoạch truy bắt. Gần 20 năm, công an huyện, PC14 tổ chức kêu gọi vận động đầu thú, xác minh truy bắt nhiều lần nhưng chưa có hiệu quả. Thông tin trinh sát cho thấy, từ khi trốn khỏi địa phương, suốt nhiều năm đối tượng không về quê thăm cha mẹ, anh chị em.
Thời điểm cha mẹ mất, Thơ cũng không về quê chịu tang. Nhận định nhiều khả năng đối tượng đã có vỏ bọc mới và quyết tâm mai danh ẩn tích.
Tháng 7/2010, công an tỉnh Tiền Giang thành lập PC52 (Phòng cảnh sát truy nã tội phạm). Hồ sơ đối tượng được chuyển giao cho Trung tá Phạm Minh Vinh. Kiên trì bám sát nguồn tin, nhiều tháng trời, cuối cùng cảnh sát phát hiện Thơ đang tu tại một ngôi chùa ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Nhóm trinh sát PC52 khăn gói lên Lâm Đồng. Gần 20 năm mới phát hiện tung tích của đối tượng, nhưng lên đến nơi, một biến cố đã xảy ra khiến công sức các trinh sát “đổ xuống sông xuống biển”.
Thì ra sư trụ trì của ngôi chùa trên đã mất cách đó một năm. Trước lúc qua đời, sư trụ trì di chúc truyền ngôi vị trụ trì cho một đệ tử trong chùa. Tuy nhiên sau khi sư bà mất, trong chùa đã xảy ra mâu thuẫn nội bộ. Nhiều đồng môn tỏ ý không đồng tình với sư trụ trì mới.
Từ đây, những đệ tử của ngôi chùa này đã tách ra thành lập nhiều ngôi chùa nhỏ ở nhiều tỉnh như Đồng Nai, Lâm Đồng, Sài Gòn. Hàng ngàn phật tử của ngôi chùa cũng tứ tán khắp nơi. Cảnh sát một lần nữa mất dấu đối tượng, đành trở lại Tiền Giang.
Nguồn cơn đau lòng
Không bỏ cuộc, nghiên cứu hồ sơ, Trung tá Vinh nhận thấy đối tượng không phải là tội phạm chuyên nghiệp, lý lịch nhân thân tốt, có thể do sai lầm nên sợ hãi mà lẩn trốn.
Thời điểm xảy ra vụ việc Thơ mới 27 tuổi, nay xấp xỉ 50. Bản năng con người là luôn hướng về quê hương, gia đình ruột thịt, càng có tuổi cái khát vọng quay về cố hương càng cháy bỏng hơn.
Trung tá Vinh nhận định: “Nếu được giải thích, động viên, tạo cơ hội, rất có thể đối tượng sẽ ra đầu thú”. Từ suy nghĩ này, cảnh sát xác minh lại thân nhân của Thơ. Trong khoảng thời gian lẩn trốn, cha mẹ Thơ đã qua đời. Anh chị em trong nhà đều đã có gia đình riêng và ở độ tuổi khoảng 50 - 60 tuổi, có cuộc sống sung túc, con cháu đề huề.
Trung tá Vinh quyết định chọn chị gái của đối tượng làm “sứ giả truyền tin”. Người này là giáo viên ở phường 3 (TP. Mỹ Tho) nay đã nghỉ hưu. Sau khi được hiệu trưởng, đồng thời là bạn thân giới thiệu, cô giáo này đồng ý nói chuyện với cảnh sát.
Sau khi nghe giải thích động viên, người chị này rớt nước mắt: “Em tôi cũng muốn nhà, nhưng mấy chục năm nay không dám về. Hiện cô ấy đã đi tu và đang bị bệnh”.
Mang nỗi trăn trở trở về, Trung tá Vinh đề xuất với lãnh đạo phòng, nếu đối tượng đồng ý ra đầu thú, phòng sẽ tạo điều kiện cho Thơ tại ngoại để trị bệnh và ăn một cái Tết đoàn tụ với gia đình sau hơn 20 năm xa cách. Lãnh đạo PC52 đồng ý.
Sau tết Ất Mùi, người chị đã giữ đúng lời hứa, đưa em gái tới tận trụ sở PC52 để trình diện.
Thiếu phụ có đôi mắt u sầu đã kể lại cho trinh sát nghe câu chuyện xảy ra 20 năm về trước. Đối tượng kể, thời điểm đó mẹ bị bệnh, gia đình không có tiền, nên đã dùng một phần số tiền quỹ đó để đóng viện phí cho mẹ. Những ngày chăm mẹ trong viện, nữ tổ trưởng bị kẻ trộm móc túi hết mất số tiền quỹ còn lại. Cô gái trẻ hoảng loạn bỏ trốn.
Trốn chạy, người phụ nữ phiêu dạt lên Tây Nguyên. Không tiền bạc, chị xin vào tác túc một ngôi chùa và được sư bà cưu mang. Từ đó Thơ trở thành phật tử làm công quả và ở lại trong chùa. Người phụ nữ buồn bã ít nói, chịu thương chịu khó, cứ lầm lũi sống trong chùa năm này qua năm khác. Ai cũng nghĩ cô gái miền Tây xinh đẹp có chuyện buồn về gia đình, nên ai cũng cảm thông, thương xót.
Sau khi sư trụ trì của ngôi chùa ở Lâm Đồng mất, Thơ chuyển về một tịnh thất nhỏ của ngôi chùa này ở TP.HCM ở. Người phụ nữ trung niên khắc khổ, vẻ mệt mỏi rưng rưng nước mắt: “Điều đau đớn, ân hận nhất trong cuộc đời tôi là lúc cha mẹ già yếu không được ở bên, lúc mẹ mất tôi không được về chịu tang”./.